Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì họp Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Cùng dự có các đồng chí Ủy Bộ chính trị, thành viên Ban chỉ đạo: Phan Đình Trạc, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an.
Các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo: Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cùng dự.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe công bố quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo và quy định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 15 thành viên do Chủ tịch nước Lương Cường làm Trưởng ban.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo cho biết, năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Ban chỉ đạo cũng như các thành viên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".
Trong đó, Ban chỉ đạo đã cho ý kiến trước khi Quốc hội xem xét, thông qua 3 luật, 11 nghị quyết liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp; chỉ đạo các cơ quan rà soát, làm rõ những vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về tư pháp. Các cơ quan tư pháp ở Trung ương đã tiến hành tổng kết thi hành pháp luật, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự; chỉ đạo hoàn thiện tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp trong sạch, vững mạnh, đủ về số lượng, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra, đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ được tăng cường; thực hiện tốt các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả, góp phần kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đồng chí Phan Đình Trạc phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Ban chỉ đạo, kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, thời gian qua, nhất là trong năm 2024, Ban chỉ đạo cũng như các thành viên chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW, các nghị quyết, kết luận khác của Bộ Chính trị và đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần bảo đảm, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần có biện pháp sớm khắc phục và cơ bản thống nhất với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp năm 2025, cũng như các ý kiến đóng góp, đề xuất có trọng tâm, trọng điểm của thành viên Ban chỉ đạo, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm của Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan trong việc chuẩn bị các nội dung, nhiệm vụ liên quan hoạt động của Ban chỉ đạo.
Chủ tịch nước cũng lưu ý Ban chỉ đạo, các thành viên Ban chỉ đạo cần đánh giá nhiệm vụ, rà soát bổ sung hoàn chỉnh một số quy định, phân công thành viên ban chỉ đạo, xây dựng chương trình làm việc Ban chỉ đạo năm 2025 bảo đảm chất lượng. Các nhiệm vụ, giải pháp hoạt động của Ban chỉ đạo cần xác định cái gì vướng, khó nhất phải tháo gỡ ngay, bảo đảm tuân thủ các quy định của Đảng, phục vụ nhiệm vụ chung.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Liên quan đề án rà soát, đánh giá những bất cập trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật thi hành án hình sự liên quan đến áp dụng hình phạt tử hình và thi hành án tử hình, Chủ tịch nước đánh giá các ý kiến cũng cơ bản thống nhất với các giải pháp về hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật liên quan đến hình phạt tử hình, đồng thời lưu ý Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp thu ý kiến của Ban chỉ đạo và các cơ quan liên quan để tập trung sớm hoàn thiện, làm sao bảo đảm đề án tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt, chỉnh sửa những vấn đề không phù hợp thực tiễn, đúng với các quy định của Đảng.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng cần phối hợp với đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến về đề án này trong quý I/2025, bảo đảm chất lượng và tiến độ để kịp trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan trong năm 2025.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, năm 2025 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng đất nước; kỷ niệm 80 năm thành lập nước, 50 năm giải phóng miền nam. Vì vậy, cần có nhiều hoạt động tư pháp liên quan đến thực hiện chính sách nhân đạo, ân giảm, đặc xá. Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi bổ sung pháp luật. Tuy nhiên, trong thời gian đề xuất điều chỉnh luật Ban Nội chính Trung ương cần chủ trì phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền để có thể triển khai các hoạt động xem xét ân giảm, đặc xá nhân dịp 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước cũng như kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước, nhằm thể hiện rõ quan điểm, chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta.
Chỉ rõ Ban chỉ đạo cơ bản thống nhất với các kiến nghị, đề xuất nêu trong báo cáo và của các đồng chí thành viên ban chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch nước giao Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo ban hành Thông báo kết luận phiên họp và theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.
Gửi phản hồi
In bài viết