Chủ tịch nước: Tập trung dồn lực, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Chiều 19/10, tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc với thành phố Đà Nẵng về khắc phục thiệt hại do cơn bão số 5 và mưa lũ. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về tình hình khắc phục thiệt hại do bão số 5 và mưa lũ gây ra. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước chuyển lời thăm hỏi ân cần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh miền trung bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định; chia sẻ những khó khăn của người dân bị thiệt hại, chia buồn sâu sắc với gia đình người bị tử nạn, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng - địa phương bị ngập sâu nhất, chịu thiệt hại lớn nhất về người và tài sản.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước chia sẻ những khó khăn, mất mát rất lớn của nhân dân Thành phố Đà Nẵng, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người không may bị tử nạn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau bão số 5 và không khí lạnh, từ ngày 13/10 đến sáng 15/10, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có mưa rất lớn vào thời điểm triều cường; gây ngập lụt diện rộng, nhiều tuyến đường và nhà dân ngập từ 0,5-1m, có nơi 1,5-2m. Đến nay đã có 4 người chết; gần 30 căn nhà bị sụp hoàn toàn hoặc sụp một phần; nhiều trường học, khoảng 74,22 ha rau màu bị ngập úng, gần 50 nghìn gia súc, gia cầm trôi chết, hơn 700 gia súc, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng; hơn 2.000 xe ô-tô và hơn 30 nghìn xe máy bị ngập nước; máy móc trang thiết bị sản xuất của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị hư hỏng; nhiều hộ dân bị ngập nước gây hư hỏng các thiết điện tử, dân dụng...

Mưa lũ cũng gây sạt lở ở một số nơi như khu vực Suối Đá, quận Sơn Trà, đường Hoàng Sa dẫn đến bán đảo Sơn Trà; đoạn cuối đường ven biển Lương Hữu Khánh; một số khu vực vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp. Ước thiệt hại sơ bộ ban đầu đến ngày 18/10 là 1.486,505 tỷ đồng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn kiểm tra thực địa công tác khắc phục thiệt hại các công trình hạ tầng tại điểm sạt cuối đường Lê Văn Lương, Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Công điện ngày 13/10 về việc tập trung khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tại miền trung; đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu đã thực địa, chỉ đạo kịp thời công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại một số địa phương chịu thiệt hại nặng nề.

Nhấn mạnh cần có quyết sách đúng, kịp thời, huy động trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước để hỗ trợ người dân, thể hiện tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái trong thiên tai, hoạn nạn, Chủ tịch nước biểu dương sự chủ động, nhanh chóng, kịp thời ứng phó mưa lũ, góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản, hạn chế tối đa người thiệt mạng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Đà Nẵng.

Trong những ngày mưa lũ, lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng cùng lực lượng chức năng kịp thời đến hiện trường chỉ đạo công tác ứng cứu và sơ tán hơn 14 nghìn người đến nơi an toàn, đồng thời toàn hệ thống chính trị thành phố cũng khẩn trương, nỗ lực cao nhất để khắc phục hậu quả, làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các trường hợp thiệt hại.

Đồng tình với ý kiến phát biểu và kiến nghị của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, lãnh đạo một số bộ, ngành và thành phố Đà Nẵng, đề cập Đà Nẵng vẫn còn bừa bộn sau lũ, cuộc sống người dân còn nhiều xáo trộn, Chủ tịch nước lưu ý một số nhiệm vụ cấp bách trước mắt.

Theo đó, thành phố tập trung hỗ trợ bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt cho người dân sau mưa lũ, không để thiếu đói, thiếu chỗ ở và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu (điện nước, giao thông, y tế...), và đặc biệt không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là cấp cơ sở quan tâm chăm lo cho dân, sớm để cuộc sống trở lại bình thường, tăng cường kỹ năng ứng phó cho người dân, rà soát, nắm, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn…

Nêu rõ yêu cầu từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống, sinh hoạt bình thường cho người dân, Chủ tịch nước đề nghị huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, xử lý vệ sinh môi trường sau mưa lũ; khôi phục cung cấp điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân; khắc phục nhanh công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng, bảo đảm đủ sách vở, trang thiết bị học tập cho học sinh.

Đà Nẵng cũng cần tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn, tổ chức việc tiếp nhận, phân phối các nguồn viện trợ, cứu trợ để bảo đảm an toàn cho người tham gia cứu trợ, đồng thời bảo đảm công tác cứu trợ được thực hiện nhanh nhất, công khai, minh bạch, công bằng.

Chủ tịch nước lưu ý cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm bốn tại chỗ; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện các quy định, phương án phòng chống thiên tai.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, qua đợt mưa lũ lớn vừa xảy ra tại Đà Nẵng đã bộc lộ một số vấn đề bất cập trong chỉ đạo, tổ chức ứng phó thiên tai đối với cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng cần được sớm khắc phục và phải thực hiện ngày càng tốt hơn. Trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp, ngày càng bất thường đòi hỏi nâng cao năng lực dự báo, ứng phó; công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, chính xác; tuy nhiên thực tế còn bộc lộ một số hạn chế.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan chức năng, các cấp ủy, chính quyền nắm chắc tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo nhanh nhạy, kịp thời, linh hoạt, chính xác; phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng, các bộ, ngành, địa phương, tuyệt đối không được chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống thiên tai. Tăng cường tuyên truyền, tận dụng ưu thế mạng xã hội để nâng cao ý thức người dân, chủ động lực lượng ứng phó nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại do thiên tai.

Nêu thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu ứng phó với thiên tai, mưa lũ lớn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước lưu ý cần tính đến yếu tố an toàn trước thiên tai khi đầu tư, xây dựng, nâng cấp các đô thị, điểm dân cư nông thôn, các công trình cơ sở hạ tầng, giao thông. Vấn đề này phải được các cấp, các ngành, địa phương tính toán kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Chủ tịch nước cũng đề nghị thành phố chú trọng quy hoạch, đầu tư bài bản hệ thống thoát nước, giúp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại thiên tai.

Về các đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ xem xét, giải quyết và hỗ trợ cho Đà Nẵng khắc phục hậu quả mưa lũ, chú ý đến những vấn đề ổn định lâu dài bằng những nguồn lực phù hợp, từ đó sớm khắc phục, khôi phục sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, sớm ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

Chủ tịch nước hoan nghênh Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, các cơ quan, doanh nghiệp và những tấm lòng vàng đã ủng hộ thành phố khắc phục thiệt hại mưa lũ, đồng thời đề nghị biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương dũng cảm xông pha cứu người, giảm thiệt hại trong mưa lũ.

Phát huy truyền thống cách mạng; với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, Chủ tịch nước tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ vượt mọi khó khăn, do thiên tai, bão lũ gây ra; tiếp tục phấn đấu giành được nhiều thắng lợi to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội của Thành phố; góp phần cùng cả nước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước năm 2022.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng 20 căn nhà, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng 20 căn nhà, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tặng 10 căn nhà khắc phục hậu quả cơn bão số 5.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác tới thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình bà Đỗ Thị Thanh Hoa, ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình bà Đỗ Thị Thanh Hoa, ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Nước lũ bất ngờ dâng nhanh đến gần nóc nhà do sạt lở hồ Hổ Dư khiến tất cả tài sản trong nhà bị cuốn trôi, rất may không có thiệt hại về người. Chia sẻ với tổn thất, mất mát, Chủ tịch nước mong muốn gia đình cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương nhanh chóng khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống.

Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã kiểm tra thực địa công tác khắc phục thiệt hại các công trình hạ tầng tại điểm sạt cuối đường Lê Văn Lương, Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Đây là 1 trong số 21 điểm sạt lở nặng của quận Sơn Trà do mưa lũ.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục