Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Diễn đàn nghị viện Pháp ngữ APF tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Duy Linh) |
Hội nghị diễn ra từ ngày 21 đến 24/1, do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF và Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm triển khai cụ thể cam kết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 diễn ra tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp vào tháng 10/2024 về thúc đẩy chủ nghĩa đa phương để giải quyết các vấn đề mang tầm khu vực và toàn cầu, tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gắn với bảo vệ môi trường của các quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Ban Tổ chức và các đại biểu quốc tế dự Hội nghị. |
Tổ chức sự kiện dịp này tại thành phố Cần Thơ khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam, Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn và phát huy vai trò của các nghị sĩ Pháp ngữ trong giải quyết các vấn đề toàn cầu và các vấn đề thời sự đặc biệt được quan tâm trong Cộng đồng Pháp ngữ.
Đây cũng sẽ là sự kiện nhằm quảng bá những nỗ lực và thành tựu phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian qua; đồng thời, thông tin, tuyên truyền về Hội nghị đến cử tri, nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nghị sĩ, người dân các nước trong cộng đồng Pháp ngữ, góp phần thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam trong Khối Pháp ngữ; góp phần nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh của Việt Nam, Quốc hội Việt Nam.
Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch APF, Tổng giám đốc Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ OIF và một số khách mời đặc biệt của nước chủ nhà sẽ có bài phát biểu tại phiên khai mạc.
Các đại biểu quốc tế dự Hội nghị sáng nay tại thành phố Cần Thơ. |
Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đối khí hậu sẽ có ba phiên thảo luận với các chủ đề: Hợp tác giữa các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực Nông nghiệp bền vững; Cộng đồng Pháp ngữ với vấn đề An ninh lương thực; Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong Ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội nghị dự kiến thông qua Tuyên bố Cần Thơ ghi nhận ý kiến của các đại biểu tham dự trong việc thúc đẩy vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ nói chung và của hợp tác nghị viện Pháp ngữ nói riêng trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đối khí hậu.
Mục tiêu của APF là góp phần lan tỏa ngôn ngữ tiếng Pháp; thúc đẩy dân chủ, Nhà nước pháp quyền và quyền con người, đặc biệt là trong Cộng đồng Pháp ngữ; trao đổi, thảo luận các vấn đề quan tâm, những vấn đề về thời sự chính trị quốc tế và chuyển các kiến nghị, đề xuất phù hợp tới các cơ quan có thẩm quyền của Cộng đồng Pháp ngữ; thúc đẩy hợp tác và tăng cường tình đoàn kết trong Cộng đồng Pháp ngữ hướng tới phát triển bền vững; tăng cường hợp tác quốc tế của nghị sĩ; góp phần phát triển và hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, hỗ trợ sự phát triển giáo dục và đào tạo bằng tiếng Pháp trên toàn thế giới.
Việt Nam là thành viên có vai trò chủ chốt của Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quốc hội Việt Nam chủ động và có trách nhiệm của APF thông qua những hoạt động tích cực và đăng cai một số Hội nghị cấp Ủy ban/Mạng lưới của APF.
Đại biểu lãnh đạo nhiều Quốc hội/ nghị viện các nước dự Hội nghị lần này, diễn ra từ ngày 21 đến 24/1, do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức. |
Với những hoạt động tích cực trên kênh nghị viện, kể từ năm 1997, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF được các thành viên APF tín nhiệm cao, liên tục bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch APF.
Ban Chấp hành APF nhiệm kỳ 2024-2026 gồm 33 thành viên, trong đó có chín Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện; ba Phó Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện; là cơ chế điều hành của APF.
Hội nghị đầu năm là một trong hai cơ chế quan trọng nhất của APF (sau Đại hội đồng tháng 7), chú trọng các nội dung trao đổi thông qua việc thảo luận về tình hình thời sự trong Cộng đồng Pháp ngữ, xây dựng chương trình hoạt động trong năm của APF, thông qua ngân sách và các chương trình hợp tác liên nghị viện.
Đây cũng là hoạt động đầu tiên của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ sau khi Cộng đồng Pháp ngữ tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 19 tại Paris, Pháp vào tháng 10/2024, góp phần triển khai các Nghị quyết, Chiến lược mới đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh.
Đại biểu Quốc hội Việt Nam và quốc tế trước giờ khai mạc Hội nghị. |
Vừa qua, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được ban hành về thành lập Ban Tổ chức Hội nghị do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng Ban Tổ chức.
Mới đây, Ban Tổ chức cho biết: Tham dự hội nghị có hơn 120 đại biểu là khách quốc tế đến từ 70 quốc gia.
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tích cực chuẩn bị các công tác tổ chức, hậu cần, lựa chọn các mô hình tiêu biểu để Đoàn đại biểu APF đến tham quan như: Nhà máy thuộc Công ty Trung An với dây chuyền chế biến, xuất khẩu gạo; Hợp tác xã New Green Farm với mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ, mô hình cánh đồng lớn kết hợp kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, tưới ngập - khô xen kẽ, xử lý rơm rạ để giảm hiệu ứng nhà kính; khu sinh thái Sông Hậu Farm (thuộc Nông trường Sông Hậu).
Với mục tiêu để lại ấn tượng đẹp đối với các đại biểu tham dự hội nghị, Khu sinh thái Sông Hậu Farm đã làm tốt mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho sự kiện chính trị quan trọng này.
Gửi phản hồi
In bài viết