Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ sáng 24/10. (Ảnh: DUY LINH)
Sáng 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Thông tin về các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về rà soát các văn bản pháp luật trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chúng ta đã nhận diện hiện nay có một bộ phận cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, làm không hết chức năng, nhiệm vụ được giao.
“Đại biểu Quốc hội đặt ra lý do vì sao có tình trạng đó? Là do vướng mắc về pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện hay cả hai? Mức độ của nó đến đâu?”, Chủ tịch Quốc hội nêu lại vấn đề.
Để giải đáp bài toán đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 101/2023/QH15 giao Chính phủ tổng rà soát hệ thống pháp luật (từ luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị định, thông tư), tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm.
Sau đó, Chính phủ đã thành lập tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm tổ trưởng. Để bảo đảm tính độc lập, hỗ trợ cho tổ công tác của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thành lập tổ công tác.
Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả rà soát tuy độc lập nhưng hai bên thấy đều thống nhất, đi đến nhận định chung là hệ thống pháp luật cơ bản đều phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, kiến tạo phát triển đất nước ổn định và hội nhập quốc tế. Kết quả rà soát cũng cho thấy hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, đầy đủ hơn.
“Kết luận này cũng giải đáp câu chuyện bây giờ không làm được gì thì tất cả đều đổ lỗi cho thể chế hết là không đúng. Vừa qua tôi cũng được Trung ương mời làm báo cáo viên cho 3 lớp Ủy viên Trung ương Đảng. Nhiều đồng chí cũng nói chả nhẽ năm ngoái tăng trưởng hơn 8% là do hệ thống pháp luật năm ngoái tốt hơn năm nay”, Chủ tịch Quốc hội nói và khẳng định không phải thế.
Ở chiều ngược lại, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận nếu nói tất cả là do tổ chức thực hiện thì cũng không đúng. Kết quả rà soát cũng chỉ ra có những vướng mắc, chồng chéo, chưa hợp lý trong hệ thống pháp luật nhưng số lượng văn bản và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo là không có nhiều.
Nhiều nội dung bộ, ngành, địa phương đưa lên thực tế không phải do vướng mắc mà do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc cách hiểu chưa đúng. Thậm chí cũng có tình trạng hỏi nhưng bộ, ngành không trả lời, trả lời chung chung.
Chủ tịch Quốc hội nêu, kết luận chỉ ra 70% nội dung được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo nằm trong hệ thống các luật sẽ được giải quyết qua việc bấm nút thông qua tại kỳ họp này.
Bên cạnh đó, một số nội dung nữa đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp lệnh năm 2024. 30% nội dung còn lại có bất cập, vướng mắc sẽ đưa vào Nghị quyết tại kỳ họp này, giao các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách để sửa đổi, bổ sung.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay có một số vướng mắc nữa không phải do luật pháp mà cần có quyết sách của cấp có thẩm quyền như tại một số dự án có sai phạm, qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử thì cán bộ vi phạm đã bị xử lý kỷ luật.
Hiện nay Chính phủ, lãnh đạo chủ chốt, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo đồng ý xây dựng đề án, quyết tâm chính trị để xử lý vấn đề này. Đề án rất công phu, tâm huyết đã được trình một lần nhưng chưa đạt yêu cầu. Do đó, Chính phủ đang tiếp tục thực hiện để xử lý những vấn đề này.
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đánh giá cao tinh thần tích cực, chủ động của Chính phủ trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật một cách khẩn trương, nghiêm túc.
Đại biểu cho rằng, phần lớn các văn bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cũng chỉ rõ, vẫn còn những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập đang gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Đây cũng là một phần của nguyên nhân gây ra tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Đối với những nội dung này, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị phải sớm có văn bản giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện.
Đồng thời, để giải quyết được gốc rễ của vấn đề, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp, khả thi trong thực tiễn của hệ thống pháp luật, đại biểu nhấn mạnh cần có giải pháp, chế tài để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, trong đó có khâu lấy ý kiến, tham gia ý kiến và việc tiếp thu ý kiến tham gia trong quá trình xây dựng pháp luật.
Gửi phản hồi
In bài viết