Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Chính sách, Pháp luật về Thúc đẩy Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Iran. (Ảnh: TTXVN)
Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 9/8 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Hồi giáo Iran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Chính sách, Pháp luật về Thúc đẩy Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Iran.
Diễn đàn do Bộ Công thương Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran phối hợp với Phòng Thương mại, Công nghiệp, Mỏ và Nông nghiệp Iran tổ chức với sự tham dự của các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.
Về phía Iran có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Iran-Việt Nam Pour Ebrahimi; Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp và Mỏ của Quốc hội Talar Poshti; Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp, Mỏ và Nông nghiệp Hossein Selahvarzi; Thứ trưởng Ngoại giao Iran Mehdi Safari và hàng trăm đại biểu đến từ các doanh nghiệp hàng đầu của hai nước.
Phát biểu chào mừng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu Cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Iran và tham dự Diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp, Mỏ và Nông nghiệp Iran Hossein Selahvarzi cho rằng, hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại.
Thị trường Việt Nam và thị trường Iran có tính bổ sung cho nhau. Chính phủ, Quốc hội hai nước đều ủng hộ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, hợp tác kinh tế, thương mại hiện chưa tương xứng với quan hệ về chính trị, ngoại giao, đòi hỏi hai bên cần có nỗ lực nhiều hơn để tìm ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác.
Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp và Mỏ Quốc hội Iran Talar Poshti cho biết cả Quốc hội và Chính phủ Iran đều đang có giải pháp để tháo gỡ khó khăn.
Iran đang có nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy hợp tác với Việt Nam và chắc chắn sẽ xúc tiến thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Iran Pour Ebrahimi bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; khẳng định Chính phủ và nhân dân Iran mong muốn phát triển quan hệ hợp về kinh tế, thương mại với Việt Nam.
Ông hy vọng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ mở ra một chương mới cho hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và cảm ơn Phòng Công nghiệp và Thương mại Iran đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các cơ quan hữu quan của Quốc hội Việt Nam tổ chức diễn đàn; nhấn mạnh đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Iran lần này.
Chia sẻ các kết quả của chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng các hoạt động kinh tế thương mại đầu tư giữa hai nước ngày càng phát triển tương xứng với mối quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp của hai nước.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá quan hệ Việt Nam-Iran ngày càng phát triển tốt đẹp thể hiện qua 3 yếu tố: dành tình cảm và sự tôn trọng lẫn nhau; phát triển nhiều mặt từ chính trị, ngoại giao cho đến kinh tế, thương mại, văn hóa; hai bên cùng hợp tác tích cực, tương hỗ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi Iran dù bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 và sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đầu tư toàn cầu nhưng vẫn đứng vững và phát triển, tiếp tục duy trì là một trong những nền kinh tế lớn nhất trong khu vực.
Với vị trí địa lý độc đáo, Iran - hay còn được biết đến là xứ sở Ba Tư huyền thoại, được coi là quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng, có lịch sử phát triển lâu đời đáng tự hào, và có nền kinh tế đang ngày càng được đa dạng hóa.
Trong khi đó, Việt Nam đang nổi lên là một trong những điểm đến đầu tư-du lịch hấp dẫn hàng đầu châu Á với những bước phát triển nhanh chóng trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Thông tin về tình hình Việt Nam sau 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam đã khởi động và kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, xã hội nặng nề, trở thành nước có quy mô GDP theo giá hiện hành lên tới 410 tỷ USD (năm 2022), đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 24 trên thế giới.
Năm 2023, Việt Nam phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5% và kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4,5%/năm (năm 2022 duy trì ở mức 3,15%).
Việt Nam cũng là một nước đi đầu trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, đang tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030 của Liên hợp quốc và tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ sẽ đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việt Nam đặt ra 2 mục tiêu 100 năm: đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành nước có nền công nghiệp phát triển khá và có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu. (Ảnh: TTXVN)
Để thực hiện khát vọng hùng cường đó, Việt Nam đang đổi mới mạnh mẽ một cách toàn diện, đang đồng bộ thực hiện 3 đột phá chiến lược: về thể chế kinh tế, về chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, và về kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng về giao thông.
Hiện Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế, và điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ một đất nước hầu như xuất không đủ nhập, thu không đủ chi thì ngày nay kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 đã đạt 735 tỷ USD, trở thành một trong 20 nước có tổng thương mại lớn nhất thế giới.
Về đầu tư nước ngoài, đến nay Việt Nam đã thu hút hơn 37.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 450 tỷ USD, được Liên hợp quốc xếp vào nhóm 20 nước thu hút FDI thành công nhất trên thế giới.
Nhất trí với nhận định của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam và Iran có nền kinh tế hoàn toàn không cạnh tranh nhau một cách trực tiếp, mà bổ sung, hỗ trợ cho nhau.
Việt Nam đánh giá rất cao vị trí vai trò của Iran trong khu vực, đặc biệt là tiềm lực của Iran về khoa học công nghệ, về quy mô nền kinh tế, dân số, về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hai nước hoàn toàn có thể hợp tác với nhau để đưa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt đẹp của hai nước.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước mắt hai bên cần tháo gỡ các vướng mắc và khó khăn để sớm thực hiện mục tiêu tăng kim ngạch thương mại hai nước trong tương lai gần; tiếp tục hoàn thiện các khung khổ thế chế pháp lý đã có và tiếp tục làm mới để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hai nước.
Hiện nay, hai bên đã xây dựng được một số khuôn khổ hợp tác quan trọng như: Ủy ban Hỗn hợp Kinh tế Thương mại với kỳ họp lần thứ 10 sẽ được tổ chức vào quý 3 năm nay để hai nước vượt qua những khó khăn, vướng mắc, sớm đưa kim ngạch thương mại tăng lên.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hai bên cần phải đẩy mạnh các nhóm công tác về trao đổi thương mại, thanh toán.
Hai nước cũng đã ký được nhiều hiệp định về tránh đánh thuế hai lần, hỗ trợ tư pháp, hải quan, ghi nhớ về hợp tác công nghệ, giáo dục.
Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này cũng có nhiều thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác được ký, nhất là thỏa thuận hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, hợp tác về kiểm dịch động, thực vật, hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hợp tác về văn hóa, giáo dục sẽ được ký trong chiều 9/8.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng những khó khăn trước mắt và cả những nền tảng lâu dài cho hợp tác của doanh nghiệp hai nước sẽ được giải quyết từng bước một cách hiệu quả, góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp vào thành tựu chung của cả hai nước.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định cam kết của Quốc hội Việt Nam đã, đang và không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là thành công của chính mình.
“Quốc hội hai nước sẽ cùng nhau hợp tác để thúc đẩy và giám sát Chính phủ trong việc hoàn thiện và thực thi các hiệp định đã được ký kết cũng như sẽ được ký kết trong thời gian tới để tăng cường hơn nữa quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.”
Đại biểu dự diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)
Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng khuyến khích và ủng hộ Phòng Thương mại Công nghiệp hai bên có các hoạt động hợp tác, tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp sang thăm, tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư kinh doanh giữa hai nước, kết nối địa phương với địa phương, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng: “Với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, trên cơ sở sự kiến tạo của Quốc hội, Chính phủ hai nước, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển.”
Chủ tịch Quốc hội cũng trao đổi, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp Iran các chính sách mới, đột phá của Việt Nam về visa sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8 năm nay để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Việt Nam, thúc đẩy giao lưu nhân dân, du lịch...
Hai nước cũng đang thúc đẩy việc mở đường bay thẳng Tehran-Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội chúc quan hệ hợp tác và tìm kiếm cơ hội hợp tác hai nước trong khuôn khổ diễn đàn này và kết nối doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới ngày càng phát triển, chúc các doanh nghiệp Iran tìm kiếm được các cơ hội hợp tác lâu dài tại Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết