Màn biểu diễn trống hội.
Theo lược sử Việt Nam, vị vua thứ tư Triều Lý là Lý Nhân Tông cùng đoàn tùy tùng theo dòng Châu Giang ghé thăm Núi Đọi, thấy cảnh sắc núi sông hữu tình, đã cho dựng chùa và đặt tên là Long Đọi Sơn và bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh.
Bia Sùng Thiên Diên Linh là hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa nổi bật của chùa Long Đọi Sơn.
Từ đó, địa danh Núi Đọi - Sông Châu ra đời gắn liền với sự ra đời của bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh. Tháp bảo Sùng Thiện Diên Linh được xây dựng qua 3 vụ cày và 4 mùa lúa chín mới hoàn thành vào năm 1121 với quy mô 13 tầng.
Đến thăm chùa Đọi Sơn du khách không chỉ thăm một trong những thắng cảnh nổi tiếng, mà còn là dịp tìm hiểu một ngôi chùa cổ kính, một trong những kiến trúc tiêu biểu thời Lý.
Tượng đầu người mình chim (thời Lý) là một trong các hiện vật nguyên vẹn đang được lưu giữa tại chùa Đọi.
Vẫn còn đó những di vật từ thế kỷ 11-12 càng làm tăng giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích. Năm 1992, chùa Long Đọi Sơn đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa, và cũng từ đó chùa Long Đọi Sơn luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đầu tư tôn tạo, ngày càng được khang trang hơn.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Bảo vật quốc gia "Bia Sùng Thiện Diên Linh", một trong những tấm bia lớn và cổ nhất hiện nay. Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, ngày 23/12/2017, di tích chùa Long Đọi Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Hiện nay, chùa Long Đọi Sơn còn lưu danh 10 đời Sư Tổ kể từ đời nhà Mạc trở đi là những vị Đại hòa thượng có nhiều công lao xây dựng chùa, được giới tăng ni và các Phật tử tôn là Sư Tổ trong suốt thời gian từ 1591-1945 (354 năm).
Có 2 đời Sư Tổ đã có đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và phát triển chùa Long Đọi Sơn, đó là đời Sư Tổ thứ nhất, Hòa thượng Thích Hải Triều; và Sư Tổ đời thứ năm, Hòa thượng Thích Chiếu Thường.
Về đời Sư Tổ thứ nhất - Hòa thượng Thích Hải Triều - truyền thuyết kể lại rằng, thiền sư qua đây gặp phong cảnh hữu tình, thế đất cửu long, đồng ruộng tươi tốt, chúng sinh hiền hòa, lại thấy dấu tích của chùa cũ đổ nát hoang tàn, cây cối rậm rạp, thiền sư coi đây là nơi đắc địa cho đất Phật, nên đã dựng 3 gian nhà tranh để thờ Phật. Tuy không để lại nhiều dấu tích, nhưng sự có mặt của thiền sư là dấu ấn đầu tiên tái lập chùa Long Đọi Sơn sau này kể từ năm 1591.
Đời Sư tổ thứ năm là Hòa thượng Thích Chiếu Thường, sinh năm 1765 quê ở Đọi Lĩnh, Đọi Sơn nay là xã Tiên Sơn. Hòa thượng Thích Chiếu Thường là người có công lớn nhất trong việc hình thành 125 gian chùa (tôn tạo hoàn thiện trên cơ sở các đời tổ trước để lại).
Hòa thượng Thích Chiếu Thường đã đứng ra lo toan xây cất tiền đường, hậu điện, xây thêm 7 gian sau với tả hữu hành lang; đúc một chiếc khánh lớn và tượng Di Lặc bằng đồng nặng 1.000kg. Hòa thượng còn cho xây thêm 8 gian và hệ thống tăng phòng để có chỗ sư sãi về nghỉ ngơi và học tập tại trường hạ suốt 3 tháng hè.
Hòa thượng Thích Chiếu Thường đã viên tịch ngày 21/3/1840, và được sư sãi, quan lại triều đình đương thời và nhân dân khắp nơi về dự lễ an táng. Đến kỳ chính năm sau, số người về ngày càng đông, phải làm lễ đến 3 ngày mới hết. Chính vì vậy, hội Chùa Long Đọi Sơn hằng năm, ngoài việc lễ Phật vãn cảnh còn có ý nghĩa tưởng niệm ngày mất của vị sư tổ đời thứ năm, người đã có công lớn trong việc xây dựng mở mang và phát triển Chùa Đọi.
Từ năm 1945 đến nay, các nhà sư trụ trì, cùng với đông đảo nhân dân trong vùng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã góp phần bảo tồn, tôn tạo di tích, giữ gìn những nét văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam.
Đội tế nữ lễ tại lễ hội chùa Đọi Sơn.
Lễ hội chùa Long Đọi Sơn được tổ chức vào ngày 17-21/3 (Âm lịch) hằng năm với nhiều hoạt động phong phú. Đến với lễ hội chùa Long Đọi Sơn, du khách sẽ được tham gia các nghi thức bái vọng Phật pháp, chiêm ngưỡng các hiện vật quý của chùa, tưởng nhớ tới các danh nhân trong lịch sử.
Cùng với đó, du khách sẽ có cơ hội thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của vùng đồng bằng trù phú bao la, với dòng sông Châu uốn lượn như mái tóc của một nàng thiếu nữ.
Đặc biệt, những thửa ruộng dưới chân núi Đọi còn gắn liền với sự kiện lịch sử vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan lần đầu tiên cày ruộng ở Đọi Sơn vào mùa xuân năm 987 để khuyến khích mở mang nông trang. Sau nhiều năm mai một, Lễ hội Tịch điền đã được tỉnh Hà Nam khôi phục lại từ năm 2009 và được diễn ra trong 3 ngày từ mồng 5 đến mùng 7 tháng 1 Âm lịch hằng năm.
Gửi phản hồi
In bài viết