Thường trực Tỉnh ủy họp cho ý kiến vào nhiều chủ trương quan trọng.
Dự họp có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố.
Dự thảo phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tỉnh Tuyên Quang là một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại cuộc họp. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến năm 2022, tỉnh Tuyên Quang có 19/20 chỉ tiêu khả năng hoàn thành và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 8,63%. Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng đạt 8,70%, GRDP bình quân đầu người đạt 55,1 triệu đồng/người/năm.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đề nghị làm rõ hơn về cơ cấu của các lĩnh vực kinh tế năm 2023, rà soát các số liệu cụ thể trong từng chỉ tiêu tăng trưởng, đánh giá chính xác việc thực hiện các khâu đột phá. Về các giải pháp để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, ngành nông nghiệp đề cập đến việc cần hoàn thiện khâu tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển công nghiệp tiếp tục tạo điều kiện để các nhà đầu tư mở rộng quy mô và lĩnh vực Tuyên Quang có tiềm năng, lợi thế.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm bày tỏ niềm vui khi một số chỉ tiêu của tỉnh năm 2022 tăng trưởng khá.
Về vấn đề này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, thời gian của năm 2022 không còn nhiều, cần tập trung để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tiếp tục rà soát lại các chỉ tiêu, quan điểm xây dựng kế hoạch năm là cần tạo ra sự bứt phá để khai thác và tìm kiếm các cơ hội phát triển, khai thác tối đa dư địa phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, phát triển các sản phẩm theo tiêu chuẩn cao; phát huy lợi thế chế biến rau quả, thủy sản, đặc biệt là chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Ngành công nghiệp rà soát lại từng mục tiêu, sản phẩm cụ thể, xây dựng kế hoạch có tính khả thi, quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, phát triển sàn giao dịch điện tử. Đồng thời có kế hoạch để phát triển hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu đặt ra, thực hiện công tác chuyển đổi số… Các địa phương cần có chương trình đẩy mạnh xuất khẩu lao động, lao động có tay nghề tại các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giảm nghèo bền vững.
Về dự toán thu, chi ngân sách và phương án phân bổ ngân sách năm 2023, các đại biểu đề nghị, tiếp tục tìm kiếm, nuôi dưỡng nguồn thu, mục tiêu thu ngân sách địa phương trên 3.100 tỷ, đảm bảo phân bổ ngân sách hợp lý, chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại cuộc họp.
Thường trực Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến vào Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên. Mục tiêu nhằm đổi mới công tác tổ chức, xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch đặc thù riêng có, quy mô khu vực và quốc tế. Các ý kiến cho rằng, để hướng tới việc nâng tầm Lễ hội Thành Tuyên thành lễ hội quốc tế, về không gian, thời gian lễ hội có thể mở rộng, bổ sung các hoạt động văn hóa phụ trợ nhằm thu hút khách du lịch, liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài nước, quảng bá trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Các mô hình Trung thu phải luôn đổi mới để thu hút du khách. Đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân; trưng bày các mô hình Trung thu đoạt giải cao qua từng năm; từng bước thay thế động cơ các mô hình từ động cơ xăng sang động cơ điện, bảo đảm thân thiện với môi trường...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc tổ chức Lễ hội Thành Tuyên phải khuyến khích thực hiện cho du khách thuê các mô hình; phát động người dân làm homestay để đón khách vào dịp lễ hội, không để quá tải cho các khách sạn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành Văn hóa đưa đề án này về các tổ dân phố để lấy ý kiến của nhân dân. Đồng thời, phải xây dựng ý tưởng, phạm vi, quy mô, định hướng tầm lễ hội. Vấn đề quan trọng nhất là đổi mới hình thức tổ chức để thu hút du khách. Ngành Văn hóa cần phát động lấy ý tưởng của người dân về tổ chức lễ hội. Cần có cơ chế huy động doanh nghiệp, người dân tham gia làm homestay để được hưởng lợi...
Cũng tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy đã thông qua dự kiến phân bổ kinh phí làm nhà ở cho gần 400 hộ nghèo ở 6 huyện, thành phố và một số nội dung quan trọng khác.
Gửi phản hồi
In bài viết