Đẩy mạnh du lịch trong tỉnh, thành phố
Từ đầu tháng 6-2021, ngay khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại một số nơi, nhiều tỉnh, thành phố đã cho phép mở cửa một số hoạt động, dịch vụ, trong đó khuyến khích du lịch nội tỉnh, nội thành phố để vừa khôi phục kinh tế, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Cụ thể, từ ngày 8-6, tỉnh Quảng Ninh cho phép một số loại hình kinh doanh hoạt động trở lại, các điểm du lịch được đón khách nội tỉnh, nếu đáp ứng được các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch. Từ ngày 13-6, thành phố Hải Phòng cho phép các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú được hoạt động trở lại, nhưng chỉ phục vụ cho người đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố, không tiếp nhận người đến từ vùng dịch. Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mở cửa đón khách từ ngày 11-6; còn tỉnh Quảng Nam mở một phần tuyến tham quan du lịch Hội An - Cù Lao Chàm, khu đền tháp Mỹ Sơn. Tại tỉnh Ninh Thuận, các khu du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích, bảo tàng được phép mở cửa từ ngày 9-6, để đón khách nội tỉnh tham quan…
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh đẩy mạnh du lịch nội tỉnh, nội thành phố là rất phù hợp, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa giúp các doanh nghiệp du lịch có thể hoạt động để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” trong phát triển kinh tế - xã hội.
Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, đây là tín hiệu để các đơn vị du lịch tìm giải pháp cho du lịch hè. “Nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch của người dân trong dịp hè rất lớn, song với diễn biến dịch còn phức tạp, khiến họ khá e dè để đi du lịch xa. Việc phát triển du lịch nội tỉnh, nội thành phố là giải pháp hiệu quả để người dân được khám phá, trải nghiệm các dịch vụ tại nơi mình sinh sống, giúp hoạt động du lịch “ấm” dần lên sau thời gian bị “đóng băng” bởi dịch Covid-19”, ông Phùng Quang Thắng nói.
Nâng cấp sản phẩm, dịch vụ
Mặc dù nhiều địa phương đã dần cho phép các dịch vụ du lịch hoạt động trở lại, song theo nhận định chung của các đơn vị lữ hành, du lịch những tháng hè tới đây chưa thể khởi sắc ngay, do còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19. Song, đây là cơ hội để các địa phương, đơn vị tính toán các kịch bản, phương án đón khách an toàn, chuẩn bị để phục hồi du lịch.
Tại Hà Nội, nhiều khu, điểm du lịch đã tận dụng thời gian tạm lắng để nâng cấp các dịch vụ, nhằm phục vụ du khách tốt hơn trong thời gian tới. Giám đốc Khu du lịch Medi Thiên Sơn (Thiên Sơn - Suối Ngà, huyện Ba Vì) Đỗ Quốc Thái cho biết, mặc dù vắng khách, nhưng đơn vị vẫn đang chỉnh trang lại cơ sở vật chất, bổ sung các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Còn Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Phạm Huy Khôi thông tin, địa phương vẫn thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh phải tuân thủ nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung đông người - khai báo y tế) trong phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời hỗ trợ Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt hoàn thiện các phần trưng bày gốm để sẵn sàng đón khách.
Ở góc độ lữ hành, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho hay, đơn vị đang khảo sát các sản phẩm du lịch tại Hà Nội và một số địa phương an toàn trong phòng, chống dịch. “Chúng tôi nghiên cứu chính sách du lịch của các địa phương để thực hiện tour kết nối những điểm đến an toàn, xây dựng sản phẩm du lịch khép kín”, ông Phùng Quang Thắng nói. Trong khi đó, Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho rằng, hình thức du lịch sẽ có nhiều thay đổi để bảo đảm an toàn phòng dịch, vì thế đơn vị đang xây dựng nhiều sản phẩm du lịch khép kín, biệt lập, trong đó sẽ chú trọng du lịch bằng xe ô tô hoặc phương tiện di chuyển cá nhân (caravan).
Về nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, khi dịch Covid-19 được kiểm soát và thành phố nới lỏng một số hoạt động, ngành Du lịch Thủ đô vẫn chủ trương đẩy mạnh chương trình "Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội", từng bước phục hồi khách nội địa, hướng tới đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép. "Khi xây dựng kịch bản đón khách, tất cả những đơn vị kinh doanh trong các lĩnh vực lữ hành, lưu trú, điểm đến, dịch vụ ăn uống phải đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 lên hàng đầu, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch theo thông điệp "5K" của Bộ Y tế", bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết