Kỹ sư của VNPT lắp đặt thử nghiệm mạng 5G tại khu vực quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Mai Hồng
4 băng tần dành cho 4G, 5G
Cùng với Kế hoạch thương mại hóa dịch vụ 5G, trong tháng 8-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có quyết định về việc tổ chức xác định mức thu cơ sở đối với phí sử dụng các băng tần 700MHz (703-733MHz và 758-788MHz), 2.600MHz (2.500-2.600MHz), 3.700MHz (3.560-4.000MHz). Đây là bước đầu tiên kích hoạt quá trình đấu giá cấp quyền sử dụng tần số các băng tần này cho mạng 4G, 5G tại Việt Nam.
Cùng với băng tần 2.300-2.400MHz đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá trước đó (nhưng không thành), đến thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý đã xác định quy hoạch 4 băng tần cho phát triển dịch vụ 4G, 5G tại Việt Nam.
Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao Cục Tần số vô tuyến điện lựa chọn tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá, xác định mức thu cơ sở đối với các băng tần trên. Trong tháng 9-2023, Cục Tần số vô tuyến điện chủ trì trình lãnh đạo bộ ban hành quy hoạch băng tần triển khai 5G; tháng 11-2023, tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần triển khai 5G. Sau khi đấu giá thành công, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép sử dụng tần số, cấp phép chính thức thương mại dịch vụ 5G cho doanh nghiệp. Dự kiến cuối năm 2023, đầu năm 2024, các nhà mạng sẽ chính thức thương mại hóa dịch vụ 5G.
Thực tế, từ cuối năm 2019 đến nay, sau khi thử nghiệm kỹ thuật rồi đến thử nghiệm thương mại, 3 nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone đã triển khai dịch vụ 5G tại hơn 40 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, dịch vụ 5G chủ yếu được cung cấp tại các thành phố lớn, khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… Tháng 7-2023, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã công bố thử nghiệm thành công dịch vụ mạng di động 5G dùng riêng cho nhà máy Pegatron tại Hải Phòng - nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam được tự động hóa dựa trên kết nối của dịch vụ di động 5G với ưu thế tốc độ cao, độ trễ thấp, hỗ trợ nhiều kết nối.
Mặt khác, dịch vụ 5G hỗ trợ, phục vụ cho nhà máy thông minh sẽ thúc đẩy ứng dụng ở các doanh nghiệp có nhà máy, kho tàng, bến cảng, sân bay…, vốn đòi hỏi khả năng kết nối an toàn, tin cậy mà mạng wifi chưa đáp ứng được. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam có hệ thống khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không, các trung tâm logistics ở hầu hết các tỉnh, thành phố, khu kinh tế trong cả nước, việc ứng dụng 5G dùng riêng kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế nói chung và các lĩnh vực sản xuất nói riêng…
Đầu tư phát triển hạ tầng tiết kiệm, hiệu quả
Chủ trương phát triển mạng 5G đã nhận được sự hưởng ứng từ 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone, song đến nay, Việt Nam vẫn chưa thương mại hóa dịch vụ 5G do chưa đấu giá được băng tần.
Phải nói thêm rằng, các kế hoạch, quy hoạch băng tần và việc triển khai thương mại dịch vụ 5G chỉ thành hiện thực khi Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép sử dụng tần số và cung cấp dịch vụ 5G cho nhà mạng. Theo quy định của luật, việc cấp phép sử dụng tần số 5G được thông qua hình thức đấu giá. Tháng 5-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá với khối băng tần dành cho 4G, 5G (2.300-2.400MHz), tuy nhiên không có doanh nghiệp nào tham gia. Được biết, nguyên nhân là do giá khởi điểm cao và doanh nghiệp không thể nộp hồ sơ tham gia đấu giá.
Chia sẻ quan điểm về việc đấu giá băng tần 5G, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vô tuyến điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan cho rằng, cơ quan quản lý phải xây dựng cách tính giá khởi điểm của băng tần phù hợp để thu hút doanh nghiệp tham gia. Mặt khác, cách thức tổ chức đấu giá phải thể hiện cụ thể để thị trường quyết định. Với việc cơ quan quản lý sửa đổi, thông qua cách tính giá khởi điểm đấu giá tần số, hy vọng trước cuối năm nay, việc đấu giá băng tần 5G để cấp phép cho các nhà mạng sẽ thành công.
Còn theo Trưởng ban Công nghệ Tập đoàn Viettel Lê Bá Tân, doanh nghiệp tin tưởng quá trình cấp phát tần số sẽ bảo đảm đủ cho các nhà mạng có thể sử dụng. Doanh nghiệp tham gia đấu giá kỳ vọng có được băng tần mong muốn, phù hợp với chiến lược của đơn vị. Với các chính sách đồng bộ, chi phí các nhà mạng tham gia đấu giá sẽ ở mức phù hợp. Ngoài ra, khi điều kiện thời điểm đã ở độ chín muồi, chi phí thiết bị rẻ hơn, việc triển khai sẽ thuận lợi và phổ cập nhanh hơn.
Thời điểm cuối năm 2023 và sang đầu năm 2024, khi được cấp phép, các nhà mạng ở Việt Nam sẽ khai trương dịch vụ 5G thương mại ở thành phố lớn, trung tâm các tỉnh, khu công nghiệp, sau đó sẽ phát triển rộng khắp. Đại diện các nhà mạng còn lại cũng đều cho biết sẽ chính thức kinh doanh dịch vụ 5G sau khi được cấp phép sử dụng tần số và cung cấp dịch vụ.
Chia sẻ mới nhất về dịch vụ 5G, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông 5G tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở lựa chọn kiến trúc, công nghệ thích hợp, thực hiện giải pháp chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước, mục tiêu kinh doanh khi khai thác thương mại đối với công nghệ mới. Đồng thời, ưu tiên thương mại hóa 5G trên thiết bị do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.
Gửi phản hồi
In bài viết