Trong bối cảnh như vậy, Tổng cục Thuế đã đặt nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được gia hạn nợ thuế, nộp dần tiền thuế, miễn tiền chậm nộp, xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ là công tác trọng tâm. Cùng với đó là tập trung xử lý dứt điểm, tăng cường công tác quản lý thu hồi nợ thuế vào ngân sách, hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh.
Theo đó, ngay từ đầu năm, trên cơ sở chương trình, nhiệm vụ công tác năm, Tổng cục Thuế đã chủ động cụ thể hoá nhiệm vụ cho từng tháng, quý, tổ chức rà soát bố trí phân công các công việc cho từng cá nhân lãnh đạo và cán bộ phù hợp với nguồn nhân lực hiện có và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ kịp thời; tích cực kiểm tra, giám sát, đôn đốc từng cán bộ thực hiện nhiệm vụ đã đề ra, bảo đảm hoàn thành các chương trình, công việc đã được giao. Vì vậy, đã có những chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp.
Đối với công tác chỉ đạo triển khai các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế thu nợ thuế, Tổng cục Thuế giao chỉ tiêu thu nợ và chỉ tiêu nợ thuế cho các Cục Thuế, để lập kế hoạch thu nợ theo tháng, quý và giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, công chức quản lý nợ; gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ thuế của đơn vị.
Tổ chức theo dõi, giám sát tình hình nợ thuế để chỉ đạo đôn đốc nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước; đồng thời rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nợ, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung rà soát, phân loại những người nộp thuế để xác định rõ nguyên nhân nợ thuế, chỉ đạo các Cục Thuế áp dụng các biện pháp phù hợp với từng đối tượng để thu nợ vào ngân sách Nhà nước.
Chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy mạnh việc ban hành thông báo nợ thuế bằng phương thức điện tử gửi người nộp thuế để đôn đốc, nhắc nhở nộp tiền thuế nợ và cung cấp thông tin cảnh báo tình hình nợ thuế cho người nộp thuế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý nợ thuế: chấn chỉnh công tác quản lý nợ thuế, tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế. Theo dõi tiến độ nộp các khoản tiền thuế đã được gia hạn theo các Nghị định của Chính phủ để thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế kịp thời ngay khi hết hạn gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cơ quan thuế các cấp trong việc xử lý nợ đọng thuế; tập trung chỉ đạo hướng dẫn, giải đáp các kiến nghị vướng mắc trong quá trình xử lý, đôn đốc thu tiền thuế nợ, cưỡng chế nợ thuế của các Cục Thuế và người nộp thuế để phấn đấu thực hiện được các chỉ tiêu thu tiền thuế nợ đã giao cho các Cục Thuế. Giải quyết kịp thời, đúng thời gian quy định các hồ sơ gia hạn nộp thuế, xóa nợ, nộp dần tiền thuế, không tính tiền chậm nộp theo quy định để tránh tình trạng nợ chờ xử lý kéo dài; xử lý kịp thời các vướng mắc trong thực hiện cưỡng chế nợ thuế. Đẩy mạnh việc thực hiện xử lý nợ, tập trung giải quyết hồ sơ khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp Ngân sách nhà nước để xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi.
Tháo gỡ ngay những khó khăn cho người nộp thuế, giúp người nộp thuế ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh; kịp thời hướng dẫn người nộp thuế lập giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất để được hưởng chính sách của Chính phủ; thực hiện xử lý gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định của Chính phủ. Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế, gia hạn nợ thuế cho người nộp thuế để nâng cao tính tuân thủ, tự giác thực hiện nộp thuế, phòng ngừa nợ thuế.
Đối với công tác hiện đại hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng các thay đổi nghiệp vụ quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Tổ chức rà soát nâng cấp các báo cáo nợ thuế để đáp ứng yêu cầu quản lý, theo dõi riêng số số tiền thuế nợ đã được khoanh; xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng các quy định tại quy chế quy định trách nhiệm xử lý dữ liệu trên ứng dụng TMS của cơ quan thuế các cấp; tạo thông báo nợ thuế và quyết định cưỡng chế nợ tự động trên hệ thống quản lý thuế tập trung và gửi người nộp thuế bằng phương thức điện tử, chữ ký số, đồng thời theo dõi giám sát tình hình thực hiện của người nộp thuế. Nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí về quản lý nợ đọng thuế để xây dựng hệ thống điều hành thông minh của ngành tài chính và ngành thuế.
Để bảo đảm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023, quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, giảm nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2023, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các địa phương triển khai giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, công chức; gắn trách nhiệm của lãnh đạo với nhiệm vụ thu hồi nợ thuế của đơn vị. Đồng thời, ngay trong thời gian tới, đề nghị các địa phương khẩn trương tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể: đối với nhóm nợ có khả năng thu, đề nghị triển khai áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế theo đúng quy định; đặc biệt tập trung áp dụng ngay các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn, chây ỳ, kéo dài để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Theo đó, đối với người nộp thuế chỉ có tiền thuế nợ dưới 90 ngày, thực hiện ngay các biện pháp: gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ để đôn đốc người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh. Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế thuộc trường hợp phải cưỡng chế: áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế đẩy nhanh việc xử lý đối với các khoản nợ đang chờ xử lý và tiền thuế đang chờ điều chỉnh. Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ đang chờ xử lý thì các bộ phận trong cơ quan thuế tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định đối với các hồ sơ cơ quan thuế đã tiếp nhận và đang trong thời gian thực hiện các thủ tục xử lý. Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế đang chờ điều chỉnh: bộ phận quản lý nợ chỉ phân loại khi có đầy đủ hồ sơ, đồng thời phối hợp với các bộ phận liên quan và người nộp thuế để đối chiếu nợ, chuẩn hóa dữ liệu nợ.
Gửi phản hồi
In bài viết