Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh tặng xe lăn cho người khuyết tật tại xã Thanh Tương (Na Hang).
Bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết, toàn tỉnh có trên 32 nghìn người khuyết tật, trẻ mồ côi. Với phương châm xã hội hóa công tác chăm sóc và bảo trợ người khuyết tật, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia công tác từ thiện, nhân đạo.
Hơn nữa để giúp người khuyết tật vượt qua mặc cảm, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, các cấp, ngành đã nỗ lực triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại các huyện, thành phố; hỗ trợ học nghề, mở cơ sở sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, tìm hiểu thị trường lao động để nắm bắt cơ hội việc làm…
Gia đình bà Nguyễn Thị Liên, thôn Tân Biên 1, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) có con gái Trần Thị Thanh bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, năm 2021, được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh triển khai Đề án sinh kế hỗ trợ người khuyết tật tại xã, chính quyền địa phương đã ưu tiên hỗ trợ gia đình vay 10 triệu đồng không lãi suất để phát triển chăn nuôi bò và lợn thịt. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc tốt nên bò và lợn sinh trưởng và phát triển tốt. Gia đình bà đầu tư nuôi thêm 3 con bò, tạo nguồn sinh kế bền vững.
Làm xưởng mộc bằng máy móc thiết bị hiện đại đã khó với người bình thường, với người khuyết tật lại khó khăn hơn nhưng bằng sự kiên trì, nghị lực vươn lên, anh Lương Văn Tùng, xóm 3, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) đã có thêm nguồn thu nhập từ nghề này. Anh Tùng chia sẻ, được sự quan tâm của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh và chính quyền địa phương, anh được hỗ trợ 10 triệu đồng đầu tư máy móc rồi học nghề làm xưởng mộc.
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh thăm xưởng gỗ của gia đình anh Lương Văn Tùng, xóm 3, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).
Năm 2022, anh bàn bạc với gia đình đầu tư máy móc mở xưởng mộc với quy mô hơn 100 m2 và máy móc hiện đại làm đồ gỗ cao cấp như bàn ghế, tủ đứng, kệ… Nhờ chăm chỉ, biết tính toán nên mỗi năm anh có thu nhập trên 100 triệu đồng, tạo việc làm cho 1 - 2 lao động mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Vào dịp kỷ niệm Ngày khuyết tật Việt Nam hằng năm, Hội Bảo trợ người khuyết và trẻ em mồ côi tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh. Hội triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) và Mỹ Bằng (Yên Sơn)…
Mới đây, Chuyên mục Nhịp cầu nhân ái, Báo Tuyên Quang đăng tin “Nỗi bất hạnh của 3 trẻ mồ côi”, ngay sau đó, Hội đã đến thăm và tặng quà 3 trẻ mồ côi Nguyễn Thành Long, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Minh Tân, dân tộc Dao, thôn 21, xã Lang Quán (Yên Sơn). Cháu Nguyễn Thành Long chia sẻ, cháu rất vui khi được các ông, bà, cô chú quan tâm động viên 3 anh em cháu lúc khó khăn hoạn nạn. Chúng cháu hứa sẽ cố gắng chăm ngoan để không phụ lòng của mọi người.
Bằng nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi được thực hiện, trong năm 2023, Hội đã vận động ủng hộ quỹ đạt trên 1,2 tỷ đồng; tổ chức các hoạt động bảo trợ cho trên 1.340 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và người có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền, hiện vật quy ra tiền trên 1,3 tỷ đồng; trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi trong các dịp lễ, Tết, tặng trên 530 suất quà, 25 xe đạp, đồ dùng học tập... trị giá trên 250 triệu đồng cho học sinh.
Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với cộng đồng xã hội, hy vọng những người khuyết tật trên địa bàn tỉnh xóa bỏ mặc cảm, cố gắng hơn vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Gửi phản hồi
In bài viết