Các cấp Hội Nông dân tỉnh đã và đang triển khai đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động hội viên, gia đình hội viên nông dân hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”. Theo đó, Hội đã phối hợp với Báo Tuyên Quang, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện nhiều bài viết, bài phóng sự về hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt, chống rác thải nhựa ở cơ sở. Thông qua trang thông tin điện tử, bản tin nội bộ, Hội Nông dân tỉnh đã tăng cường truyền thông về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường.
6 tháng đầu năm, Hội Nông dân tỉnh đã đăng tải trên 800 tin, bài trên trang thông tin điện tử của Hội và phát hành 1.900 bản tin nội bộ đến tất cả các chi hội. Các tin, bài có nhiều nội dung tuyên truyền về hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, vận động hội viên, nông dân thực hiện phân loại chất thải, vệ sinh đường làng ngõ xóm, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp ở vùng nông thôn.
Các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân thành phố Tuyên Quang tham gia cùng hội viên nông dân
phường Ỷ La thu gom rác thải nhựa và bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Thời gian qua, Hội Nông dân các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở hội chủ động phối hợp với chính quyền, các đoàn thể địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chung tay bảo vệ môi trường. 6 tháng đầu năm 2021, các cấp hội đã vận động gần 13.400 lượt nông dân tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và xây dựng hạ tầng nông thôn.
Ông Vũ Văn Thiệu, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Tuyên Quang cho biết: các cơ sở hội trên địa bàn thành phố đã duy trì khá tốt việc vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia thu gom bao bì bảo vệ thực vật ở các cánh đồng. Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân thành phố tiếp tục duy trì tốt hoạt động thu gom bao bì bảo vệ thực vật. Đồng thời, triển khai thêm 2 nội dung mới là thu gom rác thải nhựa, túi nilon tại đồng ruộng, khu vực kênh mương; phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp và rác sinh hoạt hữu cơ thành phân bón. Việc triển khai thêm 2 nội dung mới đó rất thiết thực, ý nghĩa nhằm mục tiêu kép vừa giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ, giúp nông dân có nguồn phân bón hữu cơ, tạo môi trường sản xuất an toàn.
Bước đầu, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo Hội Nông dân phường Ỷ La triển khai mô hình điểm - Mô hình Chi hội nông dân tự quản “Đồng ruộng sạch, sản xuất an toàn” tại tổ 5, phường Ỷ La. Sau đó, Hội sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả, điều chỉnh quy chế hoạt động phù hợp, theo hướng thiết thực, duy trì hiệu quả mô hình để nhân rộng ra các xã, phường còn lại, trong đó khuyến khích triển khai ở các vùng chuyên canh trồng rau, hoa ở các phường: Tân Hà, Hưng Thành, Nông Tiến,...
Tuy mới được triển khai nhưng mô hình Chi hội nông dân tự quản “Đồng ruộng sạch, sản xuất an toàn” tại tổ 5, phường Ỷ La bước đầu đã đáp ứng đúng nguyện vọng chung của hội viên nông dân. Ông Nguyễn Đại Phong, Tổ trưởng tổ tự quản chia sẻ, tổ có 80 thành viên, đây là những “hạt nhân” cùng đoàn kết chung tay thực hiện tốt việc tuyên truyền, nhắc nhở người thân trong gia đình nêu cao ý thức trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, thu gom bao bì để vào bể chứa theo quy định. 100% thành viên cam kết không sử dụng thuốc trừ cỏ và chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp. Các thành viên thống nhất lắp đặt 2 bể chứa ủ rác hữu cơ, mọi người cùng trách nhiệm mang cỏ, rác hữu cơ ra ủ tạo phân bón hữu cơ. Hàng năm, các thành viên thực hiện ít nhất 2 đợt tổ chức phát dọn đường nội đồng, thu gom rác thải nhựa...
Theo đồng chí Đỗ Hồng Hạ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh” là một trong 4 nhiệm vụ đột phá, đổi mới năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Hội Nông dân tỉnh. Bám sát nhiệm vụ được giao đó, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa; trách nhiệm của hội viên nông dân về phân loại rác thải tại nguồn để có phương án xử lý... Phấn đấu đến năm 2025: 100% hộ gia đình hội viên nông dân được tuyên truyền, hướng dẫn thu gom, phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn và tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường. 100% các cơ sở hội xây dựng được ít nhất 1 mô hình “Phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn.
Gửi phản hồi
In bài viết