Không gian mạn đàm về mỹ thuật thuộc chuỗi sự kiện ý nghĩa.
Đây là sự tiếp nối chuỗi hoạt động bền bỉ về văn hóa, nghệ thuật đã được nhà sưu tập Thúy Anh tổ chức nhiều năm qua nhằm lan tỏa không gian, giá trị của văn hóa, con người Việt Nam thông qua các cuộc triển lãm, mạn đàm về mỹ thuật, văn hóa, văn chương... vừa mang tính học thuật vừa gần gũi, ấm áp và gợi mở. Đông đảo văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật và công chúng luôn chờ đợi và tích cực giao lưu, thưởng thức.
Một số cuộc mạn đàm, triển lãm nổi bật và ý nghĩa có thể kể đến, như: "Phố và Hoa" vào cuối năm 2021 với mong muốn xua tan không khí ảm đạm của đại dịch Covid-19. Hầu hết những bức tranh được sưu tập trong dịp các họa sĩ đấu giá tranh giúp tuyến đầu chống dịch.
Ngày 18/6/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, chị đã trao tặng bộ sưu tập "Hồng Duyên" làm quà trong dịp con trai làm lễ thành hôn và giới thiệu trong không gian tiệc cưới. Món quà ý nghĩa này thể hiện sự trao truyền tình yêu hội họa, giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ.
Nhà sưu tập Thúy Anh (giữa) luôn dành tâm huyết cho nghệ thuật và cộng đồng.
Tháng 8/2023, nhà sưu tập Thúy Anh tiếp tục tổ chức sự kiện tiệc trà chiều nghệ thuật mang tên "Vẻ đẹp Hồng Tâm" với sự tham gia của nhiều họa sĩ tên tuổi trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Tháng 6/2024, chị tập tiếp tục chuỗi sự kiện "Hồng Sen: Paris - Hà thành mùa tháng 6" với nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, giao lưu cùng các chuyên gia và công chúng.
Trước khi được giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật trong nước, bộ sưu tập “Hồng Sen” đã được nhà sưu tập lan tỏa tại Thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp cũng trong những ngày tháng 6/2024, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam.
Dù có nắng mưa hay thiên tai khắc nghiệt, thì mùa thu vẫn tới đúng hẹn... Dù cuộc sống của mỗi người dân và cộng đồng có vất vả thế nào, thì ý chí vượt qua khó khăn, lạc quan, tương thân tương ái... luôn là tinh hoa của văn hóa Việt. Tôi mong muốn các nhà sưu tập, văn nghệ sĩ sẽ thông qua các hoạt động ý nghĩa để chung tay chia sẻ khó khăn với cộng đồng.
"Đẹp số 2: Văn hoa" được tổ chức thành chuỗi sự kiện tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long. Triển lãm tranh "Mùa hồng thu Thăng Long" giới thiệu bộ sưu tập 18 bức tranh mang cảm hứng về hoa Hà Nội của nhà sưu tập Thúy Anh là điểm nhấn quan trọng. Đây đều là những tác phẩm của các họa sĩ mỹ thuật đương đại được yêu mến, như: Phạm An Hải, Nguyễn Văn Đức, Hải Kiên, Bình Nhi, Lâm Đức Mạnh, Lê Hữu Dũng, Nguyễn Minh, Trần Cường, Trần Thị Trường,…
Sáng 1/10, nhà sưu tập Thúy Anh tổ chức sự kiện mạn đàm "Tinh hoa mỹ thuật đương đại, tôn vinh và lan tỏa" (với sự tham gia của các họa sĩ: Phạm An Hải, Công Quốc Hà, Phạm Hà Hải, Nguyễn Văn Đức; nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến; nhà báo - nhà thơ - họa sĩ Như Bình; nghệ nhân cắm hoa nghệ thuật Kim Anh Ngô… với sự dẫn dắt của MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng.
Tại mạn đàm, các chuyên gia, văn nghệ sĩ đã trao đổi về vai trò và ý nghĩa trong phong cách triển lãm kiểu mới của nhà sưu tập đối với quảng bá, lan tỏa, nâng tầm mỹ thuật Việt Nam nói chung và tranh đương đại Việt Nam nói riêng; bàn luận về mỹ thuật đương đại thế giới và trong nước qua góc nhìn chuyên gia; những giá trị kế thừa, phát huy.
Trước câu hỏi: Nhà sưu tập có tác động gì đến sự sáng tạo của họa sĩ? Họa sĩ Phạm An Hải cho rằng: Các nhà sưu tập xuất phát từ nhu cầu bản thân và có điều kiện để thỏa mãn. Khi phát triển lên họ có nhu cầu chia sẻ với xung quanh, với cộng đồng... Qua năm tháng, nhà sưu tập sẽ tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, con mắt xanh... có thể phát hiện được những tác phẩm đắt giá. Lịch sử mỹ thuật thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp tác phẩm ban đầu không được đánh giá cao, sau khi có người sưu tập mới tạo sự chú ý, thậm chí trở thành trường phái.
Trong xã hội hiện đại, nhiều nhà sưu tập rất có tâm, có tầm. Họ không chỉ hướng tới sở hữu mà đặt sự chia sẻ, lan tỏa vì cộng đồng nhiều hơn. Các giá trị về mặt tinh thần ấy có tác động đến người sáng tạo. Còn trong thế giới sáng tạo, đương nhiên các nghệ sĩ chân chính sẽ độc lập, kiên định với khát vọng nghệ thuật của họ, không ai chi phối được cả.
Nhà sưu tập Thúy Anh sinh ra trong một gia đình nhà giáo, trọng nhân văn và yêu nghệ thuật. Các cụ thân sinh đã giáo dục và nuôi dưỡng bao thế hệ học sinh Hà thành. Có lẽ vì vậy, mà chị thừa hưởng giá trị vị nghệ thuật và trọng nhân văn trong cách sống (Life Style), yêu cái đẹp trong nhiều ngữ nghĩa. Chị sưu tầm các tác phẩm, tổ chức sự kiện cũng như lặng lẽ làm thiện nguyện xuyên suốt hành trình cuộc sống với mong muốn lan tỏa tinh thần lạc quan, tin yêu và không ngừng nỗ lực vươn tới.
Nhà sưu tập Thúy Anh từng tham gia nhiều chương trình, dự án thiện nguyện, đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chị là cái tên quen thuộc trong các buổi đấu giá tranh gây quỹ ủng hộ cho lực lượng y tế, những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.
Chị đã tham gia vào dự án tặng tranh tới hơn 10 bệnh viện tại Hà Nội, trong đó có những bệnh viện được tặng hàng trăm bức tranh. Bên cạnh những việc làm ý nghĩa ấy, nhà sưu tập Thúy Anh luôn mong muốn cái thiện, cái đẹp sẽ đến với tất cả mọi người, đó cũng là một trong những lý do để chị tổ chức thành chuỗi hoạt động nghệ thuật.
Một điều trùng hợp là hầu hết các triển lãm do chị tổ chức đều có gam màu hồng, mang đến cảm xúc an vui và lạc quan. Với chuỗi sự kiện ý nghĩa đã được tổ chức, xu hướng kết nối, mạn đàm về cái đẹp... đang mang đến các giá trị tích cực, nhà sưu tập bày tỏ: Chặng đường tiếp theo sẽ tiếp tục và song hành với việc tôn vinh và lan tỏa giá trị đẹp trong lĩnh vực mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung.
"Tôi hy vọng và mong muốn có những đóng góp nhiều hơn trong văn hóa cộng đồng để đề cao tính nhân văn, lan tỏa sự tử tế, tương thân tương ái, kết nối và ủng hộ, hợp tác hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh các tình huống khẩn cấp như thiên tai, hỏa hoạn... Tôi tin tưởng những giá trị tinh hoa hoàn toàn có thể nâng tầm và song hành lan tỏa cùng nét đẹp của văn hóa cộng đồng", nhà sưu tập bày tỏ.
Gửi phản hồi
In bài viết