Cầu Hiền Lương ngày nay. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Chương trình bao gồm hai phần chính: Phần lễ và Chương trình nghệ thuật chính luận. Trong đó, chương trình nghệ thuật có 5 chương gồm: “Những ngày tháng 7”, “Như không hề có cuộc chia ly”, “Máu và hoa”, “Nơi nhìn ra sức mạnh Việt Nam”, “Đất thép nở hoa”.
20 năm chờ thống nhất
Ngược dòng lịch sử, phần đầu của chương trình đưa người xem về với Vĩnh Linh những ngày đầu độc lập, hoà bình sau 9 năm cùng cả nước trường kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1954, với khung cảnh bình yên hai bên bờ sông Bến Hải… Những sinh hoạt đời thường như bờ sông, làng mạc, bến thuyền được tái hiện thành hoạt cảnh, với hình ảnh mang tính biểu tượng, như đám hỏi truyền thống, gồm nhà trai ở bờ nam sông Bến Hải, nhà gái ở bờ bắc.
Hiệp định Geneva năm 1954 với việc phân định giới tuyến hai miền ở vĩ tuyến 17 đã chia cắt Vĩnh Linh, đưa nhiều gia đình vào tình cảnh phân ly, không biết đến bao giờ mới có ngày gặp lại. Những câu chuyện này được kể lại qua các tiết mục múa hát “Vết cắt Bến Hải”, “Cuộc chia ly màu đỏ” và “Câu hò bên bến Hiền Lương”.
Nhưng trước sự chia cắt đó, người dân hai bên bờ sông Bến Hải đã biến cây cầu thành biểu tượng của sự nối liền trong tim mỗi người, nối tình yêu nước, tình yêu quê hương, đồng bào, để từ đó nung nấu thành ý chí đấu tranh và khát vọng hòa bình cho cả dân tộc. Phóng sự: “Tiếng ca bên bờ Vĩ tuyến” đưa người xem đến với giọng hát của NSND Châu Loan, một giọng dân ca miền trung và là một nghệ sĩ ngâm thơ độc đáo trên sóng Đài TNVN. Bà là người dùng giọng hát và lời ngâm thơ gửi tình yêu quê hương đất nước tới người dân bờ nam, cảm hóa hàng nghìn người lính bên bờ nam, góp phần đưa họ trở về với chính nghĩa. NSND Châu Loan cũng là người con của làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, nơi sản sinh những giọng hát trời phú, nhiều người trở thành văn công đi theo các đoàn quân kháng chiến lúc bấy giờ.
Đặc biệt, tiết mục hát múa dân ca miền trung “Giọng hò quê ta” sẽ được xây dựng trên nền giọng ca của cố NSND Châu Loan, kết hợp cùng ca sĩ biểu diễn trực tiếp trên sân khấu.
Cùng với phóng sự về NSND Châu Loan, người xem còn được trở về với những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, chứng kiến sự kiên cường của quân và dân Vĩnh Linh nói riêng và Quảng Trị nói chung qua những chuyến tiếp tế, vận chuyển lương thực, đạn dược và con người qua hai bên bờ sông, và từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ, để thấy được những nỗ lực và khả năng phi thường của con người thời chiến.
Sự bất khuất, anh hùng của quân và dân Vĩnh Linh còn được tái hiện qua hoạt cảnh “Đất đối không”, với câu chuyện nhiều lần kéo tên lửa vào, ra và vào lại trận địa để hạ gục những chiếc B52 đầu tiên trong trận chiến.
Điểm nhấn của chương trình là 2 vở kịch ngắn “Chung một màu da” và “Chúng ta là người nhà”, do tác giả, nhà báo Trần Đăng Tuấn viết kịch bản.
Lấy biểu tượng là những cánh bưu thiếp trao đổi giữa nhân dân hai miền, trên nền bối cảnh cây cầu Hiền Lương và dòng sông Bến Hải, vở kịch “Chung một màu da” cho thấy sự chuyển biến về tâm lý của những người lính ở bờ nam sau khi bị thuyết phục bởi sự chính trực, đại nghĩa và nhân ái của những người ở bờ bắc.
Còn vở kịch “Chúng ta là người nhà” mang màu sắc vui vẻ, nhẹ nhàng, mở đầu bằng câu chuyện một chàng lính pháo cao xạ và một cô nữ dân quân yêu nhau nhưng chưa kịp báo cáo, từ đó nhắc lại “huyền thoại” về tình cảm giữa hai quê hương Tân Kỳ (Nghệ An) và Vĩnh Linh (Quảng Trị) sau cuộc sơ tán thế kỷ những năm 1967-1972.
Kết nối những câu chuyện và nhân vật trong ký ức 70 năm
Một trong những tiết mục đặc biệt của chương trình là lễ chào cờ “kết nối quá khứ và hiện tại”, xuất phát từ hoạt cảnh một nghi thức chào cờ bí mật ở bờ nam sông Bến Hải. Tiết mục chào cờ được thể hiện qua dàn hợp ca và dàn kèn giao hưởng, với 3 tốp ca ở bờ nam sông Bến Hải, trên cầu Hiền Lương và tại sân khấu Tượng đài Vĩnh Linh, kết hợp với dàn quân nhạc và tốp ca bên dưới sân khấu cùng hình ảnh những cột cờ khác nhau ở nhiều vùng miền trên khắp đất nước.
Chương trình còn đưa người xem về với những năm tháng người dân Vĩnh Linh “ẩn mình trong lòng đất” để sống và chiến đấu, khi toàn bộ Vĩnh Linh đâu cũng là những làng hầm, và mầm sống tiếp tục vươn lên từ lòng đất. Những năm tháng này được kể lại qua phóng sự “Làng trong hầm”, được trích một phần từ bộ phim tài liệu “Vĩ tuyến 17 – Cuộc chiến tranh nhân dân” của đạo diễn người Hà Lan Joris Iven (năm 1968).
Câu chuyện những học sinh, người dân K8, K10 lên đường ra bắc sinh sống và học tập trong vòng tay yêu thương, bao bọc của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng những tình cảm ruột thịt mà đồng bào các tỉnh phía bắc dành cho những mầm non Vĩnh Linh cũng được tái hiện từ góc nhìn của ngày trở về. Đó là chuyến xe đặc biệt trong năm 2023, đưa những thế hệ học sinh K8 năm xưa nay đã tóc trắng, da mồi trở về với quê hương thứ hai của họ, cùng những chia sẻ, tâm sự của các cựu học sinh K8.
Đan xen trong chương trình là những tiết mục ca múa nhạc với các ca khúc nổi tiếng, đi cùng năm tháng như “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Đường tôi đi dài theo đất nước”, “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Xa khơi”, “Bài ca không quên”, “Đất nước”, “Giải phóng miền nam”, “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng”… Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Tùng Dương, Anh Thơ, Trọng Tấn, Viết Danh, Bạch Trà, Ngọc Khánh Chi…
Hình ảnh Quảng Trị đổi mới, vượt khó đứng dậy sau chiến tranh, nỗ lực trở thành một điểm đến mới trong du lịch, một điểm sáng trong kinh tế… được thể hiện qua phóng sự “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” cùng các tiết mục vui tươi, trẻ trung, hiện đại như “Anh có về Quảng Trị với em không”, “Quảng Trị ngày mới - Vĩnh Linh 4.0”…
Đó cũng là một trong những ý nghĩa của chương trình, hướng tới thế hệ trẻ năng động, bứt phá, xây dựng ngày hôm nay và ngày mai tươi đẹp, nhưng không bao giờ quên những ngày đã qua, không quên lịch sử và những công lao trời biển mà các thế hệ đi trước đã đổ bao máu xương để có được hòa bình.
Trong khuôn khổ chương trình, Báo Nhân Dân sẽ trao tặng nhà tình nghĩa và các suất học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học tại Quảng Trị.
Gửi phản hồi
In bài viết