Ở cùng Dân để học tiếng Dao
Cô giáo Chu Thị Yến trong trang phục |
Điểm trường Tiểu học Bản Thốc nằm cheo leo trên sườn núi cao, cách trung tâm xã Đà Vị 14 km, cô giáo Chu Thị Yến vừa tan lớp. Công việc nhặt rau, nấu cơm cho bữa trưa của cô lại bắt đầu. Ngồi bên bếp lửa ấm, cô Yến bộc bạch “Nhà chị trước ở xã Đức Xuân, nay đã chìm dưới vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Sau cả nhà chuyển về tổ 2 thị trấn Na Hang. Có lẽ hồi nhỏ hay thần tượng thầy cô giáo nên chị mơ ước cháy bỏng được đi dạy học. Học xong THPT Na Hang, chị theo học Trường Bồi dưỡng giáo dục của huyện mở. Học xong năm 1993 được phân công lên dạy tại Trường Tiểu học Hồng Thái (Na Hang). Phải nói ngày đầu chị nhận quyết định đi dạy học niềm vui khôn tả. Lên tới nơi thấy trường lớp lèo tèo, học sinh nơm nớp sợ cô giáo người Kinh không dám tới lớp. Vận động các em như nào cũng không được vì bất đồng ngôn ngữ. Buồn quá chị khóc mất ngày. Sợ vì không làm tròn nhiệm vụ, không chuyển tải được con chữ lên vùng cao”.
Do đường xá xa xôi, khó khăn, cuộc sống biệt lập nên bao nhiêu năm người Dao Tiền Hồng Thái ít tiếp xúc với người lạ. Những cô giáo vùng dưới lên dạy, học sinh rất khó gần. Trăn trở suy nghĩ mãi, cô Yến quyết định không ở nhà trọ của trường nữa mà chuyển xuống sống trong gia đình ông Bàn Văn Chúc, dân tộc Dao Tiền thôn Khau Tràng. Ông Chúc tâm sự “Tôi thấy cô giáo Yến lên dạy chữ mà không tiếp xúc được với học sinh thì lo lắm. Tôi bảo với vợ là cô giáo lên đây giúp bản làng của mình, mà mình không giúp cô ấy là một sai lầm. Được sự giới thiệu của cán bộ xã, gia đình tôi nhất trí để cô giáo xuống ở cùng gia đình để học tiếng Dao. Bắt đầu từ những từ rất đơn giản trong cuộc sống hàng ngày như “nhẹn háng - ăn cơm”, “giặt quần giặt áo - ráo lui ráo hấu”, “bác làm gì vậy - câu trấu mòn” dần dần cô Yến cũng nhận biết được những từ cơ bản. Hàng ngày xong bữa tối đích thân tôi lại trao đổi, dạy thêm một số từ mới. Không ngờ sau 3 tháng cô Yến bắt đầu bặp bẹ nói được tiếng Dao Tiền”.
Việc đầu tiên khi biết tiếng Dao là cô Yến tích cực xuống trao đổi với bí thư chi bộ, trưởng các thôn, người uy tín trong cộng đồng để vận động các em tới lớp, không bỏ học. Toàn thiếu niên lộc ngộc tầm 12 - 14 tuổi mà chưa vào lớp 1 thì gay, phải xóa mù chữ ngay. Vận động mãi, lớp của cô Yến chủ nhiệm mới được 14 học sinh theo học. Mùa lạnh ở Hồng Thái rét căm căm, học sinh thiếu quần áo người mẩn đỏ, cô Yến cất tiếng “nọng chuông mò - các em có rét không”, các em nở nụ cười gật gật. Sự đối thoại bằng tiếng bản địa có vẻ hiệu quả đây”. - Cô Yến nghĩ trong bụng.
Sau một tiết học cô lại cho các em ra sưởi lửa. Từ sự ân cần, tấm lòng của cô giáo mà tin tức tích cực về các cô giáo người Kinh được lan truyền trong bản. Học sinh đến lớp ngày một đông. Sau 8 năm công tác ở Hồng Thái, cô giáo không những thạo tiếng Dao mà còn thông hiểu phong tục, tập quán của bà con nơi đây. Cô tìm hiểu kỹ về nghi lễ Cấp sắc, làn điệu Páo dung, ý nghĩa trên họa tiết hoa văn trên vải thêu thổ cẩm, cách làm nhà, ẩm thực của đồng bào Dao Tiền. Bao lớp học sinh cô Yến dạy nay đã trưởng thành, trong đó tiêu biểu có Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồng Thái Đàng Thị Hiền. Ông Đặng Đức Toàn, dân tộc Dao Tiền, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, ngày đó đang giữ chức Chủ tịch xã Hồng Thái kể lại “Tôi còn nhớ cô Yến lúc rảnh còn học cán bông, kéo sợi, dệt vải cùng bà con. Thứ bảy, chủ nhật cô còn giúp dân làm vườn, cấy lúa, dọn dẹp nhà cửa”.
Cô Yến bồi dưỡng học nhóm cho học sinh dân tộc Mông tại điểm Trường Tiểu học thôn Bản Thốc, xã Đà Vị.
Rời trường cũ, lại cắm bản
Năm 2007, cô Chu Thị Yến được tổ chức phân công xuống dạy tại điểm trường Bản Thốc khó khăn nhất của xã Đà Vị, giáp thôn Pác Khoang, xã Hồng Thái. Ngày rời trường cũ đầy lưu luyến, người dân, học sinh ra chia tay bịn rịn, những giọt nước mắt lại rơi trên gò má cô giáo như những ngày đầu đến dạy học. Nhưng cô Yến biết điểm trường Tiểu học thôn Bản Thốc chủ yếu là đồng bào Mông, Tày cũng rất cần những cô giáo dày dặn kinh nghiệm. Với kỹ năng ở bản, học tiếng đồng bào sẽ giúp cô nhanh chóng hòa nhịp ở nơi đây. Cô Yến lại bắt đầu học tiếng Mông, tuy không được thạo như tiếng Dao, nhưng cũng giúp có những giao tiếp cơ bản. Sự gắn bó giữa cô giáo, học sinh, dân bản ngày càng khăng khít hơn. Chương trình phổ cập giáo dục Tiểu học ở thôn vì thế đã đạt được kết quả tích cực. Sắp xếp thời gian, vượt khó cô Yến tiếp tục theo học chương trình Cao đẳng, trở thành giáo viên dạy giỏi cấp trường, huyện, liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.
Cắm bản nhiều cô Yến bén duyên lấy chồng dân tộc Tày người Đà Vị. Chồng cô chấp nhận làm nghề tự do tại nhà, để có thời gian chăm sóc con cái thay vợ. Quả ngọt là cháu trai đầu lòng của vợ chồng cô đã tốt nghiệp Thiết kế đồ họa - Cao đẳng FPT, con gái út tốt nghiệp Cao đẳng Nghệ thuật Việt Bắc chuyên ngành Thanh nhạc. Cháu có giọng hát hay, trở thành hạt nhân văn nghệ tiêu biểu của địa phương, nhất là biểu diễn hát Then, chơi đàn Tính. Do biết tiếng Dao, Mông, Tày đi bản nhiều, cô giáo Chu Thị Yến quyết tâm làm phong phú hơn nghề bốc thuốc nam cứu người gia truyền mấy đời gia đình cô để lại. Trước kia thuốc Tây ở vùng cao hiếm lắm nên dùng bài thuốc nam dễ kiếm với cây cỏ địa phương là một giải pháp tối ưu. Cũng do thông thạo tiếng Dao mà cô Yến biết được nhiều cây thuốc quý trên rừng do người Dao có kinh nghiệm truyền lại. Đồng chí Trương Văn Đô, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Thốc, xã Đà Vị cho rằng “Cô Yến biết tiếng dân tộc nên rất dễ gần. Công việc của thôn và điểm trường vì thế có nhiều thuận lợi. Ở thôn có ai bị ốm cô đều chia sẻ những bài thuốc quý. Cô giống như người nhà của chúng tôi nên chúng tôi quý cô giáo như người của dân bản”.
Gửi phản hồi
In bài viết