Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định.
Tình trạng “tham nhũng vặt” biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức nhà nước. “Tuy gọi là “tham nhũng vặt” nhưng chúng ta đều thấy rằng tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thậm chí đã xảy ra tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”...
Điều này cho thấy mảnh đất cho tham nhũng vặt phát triển chính là một phần lợi dụng cơ chế, chính sách chưa chặt chẽ, một phần là do một số cán bộ thoái hóa, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu. Nhưng một phần cũng chính từ phía một bộ phận người dân doanh nghiệp luôn có tâm lý dùng phong bì để bôi trơn, cho công việc được nhanh chóng hơn; thậm chí là để sửa sai cho những hành vi sai phạm của mình như trong cấp phép xây dựng, vi phạm luật giao thông...
Thiết nghĩ, để giải quyết tận gốc rễ vấn đề này cùng với việc phải có những chế tài xử lý nghiêm các hành vi này đối với cán bộ, viên chức, thì bản thân mỗi người dân, doanh nghiệp cũng phải loại bỏ tâm lý “lót tay”, tư tưởng vì lợi ích của bản thân, được việc của mình mà tiếp tay cho những sai phạm của cán bộ, viên chức trong thực thi công vụ.
Gửi phản hồi
In bài viết