Gần đây phong trào nói không vói phong bì lan rộng ra nhiều lĩnh vực từ y tế, giáo dục, hành chính... Một số trường học phát động phong trào nói không với phong bì trong ngày 20/11, các bệnh viện lớn, nhỏ cũng có phong trào nói không với phong bì. Thậm chí có địa phương còn ra văn bản yêu cầu, kêu gọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, sỹ quan, chiến sỹ các lực lượng vũ trang gương mẫu thực hiện không đưa, nhận “phong bì” trong quá trình làm việc, phục vụ, hướng dẫn, giúp đỡ, giải quyết công việc cho nhân dân và doanh nghiệp...
Với mục tiêu tạo dựng môi trường xã hội không dung dưỡng chi phí không chính thức trong dịch vụ công (phong bì, quà biếu, tiền bồi dưỡng...), góp phần phòng, chống tham nhũng đang là đích nhắm đến của công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, khi cả người dân, doanh nghiệp và cán bộ vẫn luôn có thái độ trông chờ vào việc giải quyết dứt điểm nạn phong bì thông qua can thiệp của cơ quan nhà nước, thay vì tập trung vào sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động của chính họ.
Giải quyết triệt để vấn đề này không thể thụ động trông chờ vào hành động của cơ quan nhà nước, do đó việc đẩy mạnh tính chủ động của người dân trong việc "nói không với việc đưa phong bì" - thông qua cung cấp cho họ kiến thức, sự hiểu biết và chỗ dựa tư vấn khi gặp khó khăn đến từ các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông đại chúng - sẽ mang lại động thái tích cực hơn cho phong trào phòng, chống tham nhũng, cụ thể là hạn chế những chi phí không chính thức, trong sử dụng dịch vụ công. Người dân, doanh nghiệp khi được trang bị kiến thức, kỹ năng cụ thể để tự nói không với phong bì trong dịch vụ công; có thể lên án những hành vi nhũng nhiễu, góp phần phòng, chống tham nhũng trong y tế, giáo dục, đất đai và thủ tục hành chính... một cách hiệu quả.
Gửi phản hồi
In bài viết