Có thể nói, “tham nhũng vặt” đã trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Nó xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống. Đặc biệt người dân, doanh nghiệp khi muốn thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn thì cần “biết ý”, có chi phí “lót tay”, “bôi trơn”... thì mới nhanh được.
Sở dĩ tham nhũng vặt có đất tồn tại và phát triển trước hết là tâm lý mong được việc, thậm chí dùng tiền để mua chuộc cho những hành vi sai trái của người dân doanh nghiệp, với tư duy “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Cùng với đó là tâm lý ngại va chạm của nhiều người. Khi thấy có việc bất bình ở cơ quan công quyền, thì thường coi đó là chuyện nhỏ, chuyện vặt hoặc ảnh hưởng ít đến bản thân, nên tặc lưỡi cho qua. Hoặc nếu có bức xúc, thì cũng ít khi có đủ dũng khí để lên tiếng hoặc đấu tranh, bởi “chuyện nhỏ chắc gì đã ai giải quyết. Mà chờ được vạ thì má cũng sưng”. Còn với nhiều người được giao nhiệm vụ “đầy tớ của dân”, đã quá quen với tâm lý của người “xin” và dần dần chấp nhận chuyện phong bì… là một việc bình thường, lâu dần trở thành nghĩa vụ của người đi “xin”. Ai muốn nhanh, không phải xếp hàng thì chuyện lo lót, phong bì là đương nhiên.
Những hệ lụy mà “tham nhũng vặt” gây ra đối với xã hội, tuy không gây nhiều thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, nhưng nhiều hậu quả do “tham nhũng vặt” để lại không thể đo đếm được. “Tham nhũng vặt”, sự sách nhiễu, phiền hà đang diễn ra từng ngày, từng giờ làm băng hoại đạo đức xã hội, làm hủy hoại phẩm chất cán bộ, công chức... làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào cơ quan công quyền. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì đến một lúc nào đó "quá mù ắt hẳn... ra mưa...".
Gửi phản hồi
In bài viết