Nếu cắt giảm được 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài thì riêng các cơ quan Trung ương thôi đã tiết kiệm được đến 700 tỷ đồng. Các nguồn lực rất lớn đang được tập trung để chống dịch: 52.000 tỷ đồng cho công tác chống dịch, chưa kể mua sắm thiết bị vật tư y tế ở các địa phương. 62.000 tỷ đồng gói an sinh xã hội... Chưa kể các gói giãn thuế, cho vay hỗ trợ DN.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam và thế giới, Chính phủ có biện pháp sắp xếp lại thu, chi ngân sách, cân đối ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định; quyết liệt chỉ đạo để giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công. Theo đó tiền phải chi ra rất nhiều. Và vì thế, tiết kiệm, chống lãng phí giờ đây càng cần được thực hành triệt để, đúng quy định và hơn thế nữa.
Bên cạnh việc thực hiện đúng, đầy đủ các quy định hiện hành, trong thời điểm này việc thực hành tiết kiệm cần phải được ban hành bằng những văn bản mang tính pháp lý với những định lượng cụ thể. Với vai trò “tay hòm chìa khóa” của đất nước, điều mà người dân cần là việc mạnh tay với những khoản chi vượt định mức, cần những quy định để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là việc mà các bộ, ngành, địa phương phải làm như một nghĩa vụ, chứ không chỉ trông chờ vào sự tự giác, hô hào khẩu hiệu. Cùng với đó là tinh thần triệt để tiết kiệm trong cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm trong sử dụng xe công, hội thảo, học tập kinh nghiệm, công tác nước ngoài... để tập trung ngân sách đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục kinh tế; quyết liệt chỉ đạo để giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công.
Gửi phản hồi
In bài viết