Gần 60 năm giữ lửa nghề rèn

- Về xã Phúc Ứng (Sơn Dương), hỏi thăm cơ sở rèn của ông Lương Văn Bào, dân tộc Nùng, ai ai cũng biết. Ở cái tuổi 72, dẫu sức khỏe đã kém đi nhưng ngày ngày ông Bào vẫn miệt mài bên lò nung đỏ lửa. Ông còn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn Định Chung. Vừa qua, ông là 1 trong 255 đại biểu tiêu biểu được dự hội nghị gặp mặt người có uy tín, lực lượng cốt cán tiêu biểu năm 2022 do UBND tỉnh tổ chức.  

Ở tuổi 72, ông Lương Văn Bào, người có uy tín thôn Định Chung, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) vẫn miệt mài với nghề rèn.

“Nghề rèn là một trong những nghề nặng nhọc, công phu và phải qua nhiều công đoạn. Nghề vốn vất vả lại lấm lem suốt ngày, những năm gần đây, trước sự cạnh tranh về giá giữa hàng sản xuất công nghiệp với hàng thủ công truyền thống, thu nhập từ nghề bấp bênh nên mấy đứa con tôi không ai theo nghề; thế hệ trẻ giờ cũng không thích nghề rèn đâu.” - ông Bào mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Ông Bào vốn sinh ra tại làng nghề rèn Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng). Từ nhỏ ông đã được truyền nghề rèn, rồi cả gia đình rời quê hương đến Phúc Ứng sinh sống. Nhớ lại thời “hoàng kim” của nghề rèn, ông Bào kể, năm 1976, ông tham gia hợp tác xã của xã và truyền nghề rèn cho nhiều người trên địa bàn xã và huyện Sơn Dương. Cũng từ nghề rèn, ông nuôi cả đàn con, lo cho con học hành đến nơi đến chốn.

Ở tuổi 72, ông Bào đã có 57 năm theo nghề rèn. Để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm sức lao động, ông đầu tư thêm 1 số máy móc để hỗ trợ, tạo thêm nhiều các sản phẩm nông cụ ngày càng sắc sảo, bền đẹp, chắc chắn được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ông Bào còn thường xuyên đi các chợ phiên trong và ngoài xã để bán nông cụ, thu nhận sửa chữa những dụng cụ lao động đã bị hỏng. “Tùy từng loại mà mỗi sản phẩm có giá 50 - 300 ngàn đồng, còn sửa chữa nông cụ giá chỉ vài chục. Mỗi tháng, sau khi từ chi phí, tôi có thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng” - ông Bào bày tỏ.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục