Tư vấn sản phẩm với góc nhìn 360 độ trên thiết bị thông minh tại một đại lý lý Ford ở Việt Nam.
Trong đó, thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Frost Sullivan ghi nhận số lượt thanh toán cho mua sắm ô tô qua internet đã tăng đều đặn từ năm 2018 tới nay, và dự kiến sẽ đạt khoảng 6 triệu lượt vào năm 2025.
Năm 2022, Mercedes-Benz ghi nhận khoảng 25% giao dịch xe cũ và mới trên toàn cầu được thực hiện qua các kênh mạng, trong đó hoạt động tư vấn diễn ra chủ yếu bằng tin nhắn, đàm thoại hình ảnh. Nhiều đánh giá gần đây cũng chỉ ra, khoảng 2/3 người tiêu dùng trên toàn cầu cho biết sẵn sàng mua ô tô thông qua các hình thức bán hàng trực tuyến trong vòng 5 năm tới.
Nói cách khác, người tiêu dùng đang ngày càng trở nên cởi mở hơn trong việc mua sắm từ xa đối với ô tô - thứ được coi là tài sản lớn. Theo một số chuyên gia, ngoài việc mở rộng tiện ích cho cả bên bán, người mua tăng cường trải nghiệm, công nghệ giúp quá trình mua bán trở nên minh bạch hơn, tránh tình trạng mua xe đội giá “bia kèm lạc”, các thủ thuật câu khách phiền nhiễu. Với xe cũ, các giải pháp số hóa giúp lịch sử những chiếc xe đã qua sử dụng trở nên rõ ràng, giảm thiểu các chiêu trò tiêu cực.
Xu hướng tiêu dùng ít lệ thuộc vào các phòng trưng bày và sự suy giảm trong nhu cầu gặp gỡ nhân viên bán hàng trực tiếp đã tác động lớn tới các hãng ô tô. Riêng trong năm 2022, nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới như Volkswagen hay BMW đã đầu tư những con số khủng cho các nền tảng và tiện ích internet, nhằm bắt kịp xu hướng mới. Dĩ nhiên, thị trường Việt Nam không nằm ngoài trào lưu chung.
Trong nước, vài năm trở lại đây chứng kiến không ít hãng xe đã giới thiệu giải pháp bán hàng trực tuyến riêng, hoặc trên web hoặc qua ứng dụng di động, như Toyota, Hyundai ME!... Hầu hết trong số này đều cho phép người tiêu dùng xem xét chi tiết chiếc xe muốn mua trên các kênh trực tuyến, thiết lập cấu hình tùy chọn như ý muốn, cùng đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Một số hãng như VinFast còn cho phép thẩm định và phê duyệt các khoản vay mua ô tô ngay trên trang web.
Mua xe trực tuyến không chỉ dần trở nên phổ biến trong phân khúc ô tô phổ thông, mà cũng phát triển nhanh chóng trong nhóm xe hạng sang. Bên cạnh các tính năng mua sắm, dịch vụ của Mercedes-Benz còn cho phép người mua xe xác định rõ mẫu xe họ muốn sở hữu hiện đang có sẵn hàng tại đại lý nào, nhờ thế có thể tới xem xe thuận tiện, rút ngắn thời gian chờ đợi nhận. Trong khi đó, các đại lý có thể nhận lịch tiếp và mất ít thời gian “chiều” khách hàng hơn.
Theo Mercedes-Benz Việt Nam, sự tiện lợi đã giúp lượng người dùng ghé thăm cửa hàng trực tuyến của “sao ba cánh” tại thị trường trong nước quý I-2023 tăng 33%, với tỷ lệ tương tác tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh các giải pháp mua sắm, một lĩnh vực khác chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ chính là ứng dụng phục vụ sở hữu, vận hành và chăm sóc xe. Ứng dụng Toyota trên điện thoại thông minh hiện đặt lịch hẹn, quản lý chu kỳ bảo dưỡng và sửa chữa; nhắc nhở đăng kiểm; cập nhật thông tin khuyến mãi và phản hồi ý kiến tới nhà phân phối. Như Ford Pass, ngoài các tính năng trên, còn cho phép người dùng xe trao đổi với các chuyên gia kỹ thuật trong trường hợp xe có trục trặc.
Chưa dừng ở đó, thông qua điện thoại thông minh hay máy tính bảng, nhiều ứng dụng còn có thể kiểm soát toàn diện ô tô từ xa. Ví dụ, KIA Connect Lite hay Ford Pass tại Việt Nam giờ đây không những có thể đề nổ/tắt máy, bật điều hòa, khóa/mở cửa…, mà còn có thể theo dõi tình trạng, vị trí của phương tiện. Đây cũng là những tính năng mà VinFast trang bị trên xe điện VF e34, VF8, VF9.
Nhìn chung, tương tự như trào lưu số hóa trong nhiều lĩnh vực, công nghệ đã và đang mang lại hàng loạt tiện ích mới cho ngành kinh doanh ô tô cũng như người tiêu dùng sở hữu những xe “bốn bánh”.
Tuy nhiên, bên cạnh những ích lợi mang lại, xu hướng này cũng tạo ra nhiều thách thức, không chỉ đối với nhà sản xuất mà cả các hệ thống kinh doanh - đại lý trong việc chuyển mình, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo vệ thông tin khách hàng... cũng như tối ưu hóa hệ thống nhân lực, dịch vụ... nhằm thích ứng với môi trường mới.
Trong khi đó, người dùng cũng phải chủ động khám phá, tìm hiểu để làm sao vừa tận dụng tối đa lợi ích của những tính năng mới mang lại, vừa có thể đảm bảo an toàn cá nhân trong môi trường số rộng lớn của tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết