Đây là chuyên đề thứ hai được tổ chức, nối tiếp chuyên đề I “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả diễn ra tháng 3 vừa qua, nhằm đưa ra những cách tiếp cận mới giúp ngành du lịch nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch mới chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính "sóng thần" Covid-19 đã đẩy tất cả buộc phải lựa chọn: chuyển đổi số hay là chết.
Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét và tác động mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại. Hiện, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nhiều đơn vị doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa cũng áp dụng triển khai thông qua thuê nền tảng để tự cứu chính doanh nghiệp khi trở lại cuộc đua cạnh tranh.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm và chưa có sự thống nhất. Đó là lý do ngành du lịch đang nỗ lực tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.
Tại diễn đàn, nhiều đại diện địa phương, doanh nghiệp du lịch đã đưa ra các đề xuất, giải pháp nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số du lịch Việt Nam.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ VietSens cho rằng: Cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phần lớn là nhỏ và vừa, có nguồn lực hạn chế. Do vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp, các sản phẩm công nghệ của ngành du lịch cần được thiết kế theo hướng hình thành nền tảng số dùng chung, giúp các doanh nghiệp có cơ hội khai thác thông tin, tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh. Trong đó, tiêu biểu là Ứng dụng hướng dẫn du lịch Việt Nam phục vụ các doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên; Trang vàng du lịch Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm dịch vụ và kết nối với khách du lịch.
Đứng ở góc độ địa phương, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở du lịch Ninh Bình nhận định: Sự kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch… là yêu cầu bắt buộc để phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh. Chuyển đổi số không chỉ là về mặt công nghệ, mà còn cần chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, quảng bá...
Chia sẻ tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết: Triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch với một số nhóm nhiệm vụ chính gồm: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ góp phần bảo đảm du lịch an toàn, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch; hỗ trợ các địa phương, điểm đến chuyển đổi số; hỗ trợ phong trào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Thời gian tới, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện các đề án, chương trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; Chỉnh sửa, bổ sung Luật Du lịch, các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số; Tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch; Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin;
Phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số; Đồng hành với phong trào khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch, thông qua việc tổ chức các cuộc thi, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ đóng góp các ý tưởng mới mẻ cho phát triển du lịch.
Gửi phản hồi
In bài viết