Phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số
Mặc dù là tỉnh miền núi nhưng hiện nay Tuyên Quang có hạ tầng viễn thông cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu kết nối, sử dụng dữ liệu của chính quyền, người dân trên địa bàn tỉnh. Mạng thông tin di động hiện tại đã phủ sóng đến 99,9% các thôn bản, tổ nhân dân, đồng thời phủ sóng 4G và truyền dẫn cáp quang tới 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy hoạch, chất lượng phủ sóng, an toàn, an ninh thông tin và mỹ quan đô thị. Tổng số thuê bao điện thoại trên toàn tỉnh ước đạt gần 700 nghìn thuê bao, mật độ 66 thuê bao/100 dân.
Cùng với đó, hạ tầng công nghệ thông tin cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, xây dựng từ tỉnh đến xã. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính của tỉnh có mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tại 100% các cơ quan, đơn vị hành chính. Các hệ thống thông tin được triển khai kết nối liên thông từ tỉnh đến xã và với Trung ương cùng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đầu tư, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giúp giảm thời gian xử lý công việc và tiết kiệm chi phí.
Với những điều kiện cơ bản hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số, đây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số cũng là điều kiện thuận lợi để Tuyên Quang có thể đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.
Lấy người dân làm trung tâm
Nghị quyết 48-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định, trong quá trình chuyển đổi số phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước, tương tác với cơ quan Nhà nước để tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cũng tạo ra giá trị cho xã hội; chú trọng thực hiện các giải pháp chuyển đổi nhận thức cho toàn dân.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền về chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và có trọng tâm trọng điểm ở các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% xã, phường, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với trên 10 nghìn thành viên.
Các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền đưa chuyển đổi số đến gần với người dân bằng nhiều hình thức như tổ chức các hội nghị, tuyên truyền trong các buổi họp dân và trên loa phát thanh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng các tiện ích, ứng dụng thông minh, hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh, thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số...
Anh Hoàng Văn Minh, Tổ công nghệ cộng đồng thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, Nà Tông có thế mạnh về du lịch với nhiều mô hình homestay. Để đáp ứng nhu cầu thông tin cho du khách, các hộ trong thôn thành lập nhóm Facebook, zalo để giao lưu trực tuyến, tương tác, chia sẻ thông tin những sản phẩm du lịch của gia đình và địa phương với khách du lịch, đồng thời phân công bố trí các hộ tham gia phục vụ du khách. Cách làm này đã giúp các hộ gia đình kết nối chính xác, nhanh nhạy, đầy đủ nhất, đồng thời giúp du khách được trải nghiệm những dịch vụ chất lượng như mong muốn.
Huyện Sơn Dương xây dựng Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Trần Mạnh Tâm, Chủ tịch UBND xã Sơn Nam (Sơn Dương) cho biết, xã đặt mục tiêu đến năm 2030 tối thiểu có 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng...
Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, chuyển đổi số cần bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Các Tổ công nghệ số cộng đồng là “cánh tay nối dài” của chính quyền, của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Do đó, phải tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực về chuyển đổi số cho các thành viên Tổ công nghệ cộng đồng.
Với tinh thần “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, vì vậy chuyển đổi số phải được triển khai sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan đơn vị. Từ đó, tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân, khiến người dân thay đổi thói quen, nhận thức đúng về chuyển đổi số, đem lại những lợi ích thiết thực phục vụ cho chính đời sống của người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết