Ứng dụng công nghệ trong du lịch nông thôn còn khiêm tốn
Theo Bộ VH-TT&DL, du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú cùng nền tảng văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng đặc sắc, cảnh quan hoang sơ... là những yếu tố quan trọng hình thành điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách.
Còn theo Bộ NN&PTNT, phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.
Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Tham luận tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều lợi thế song du lịch nông thôn Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và còn nhiều hạn chế, cần đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo động lực phát triển.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) nhận định, phần lớn điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, chủ yếu do các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác nên hạn chế về năng lực, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thấp so với các khu vực khác. Do đó, cần sự hỗ trợ của Nhà nước và các chuyên gia để chuyển đổi số ở khu vực nông thôn đi vào thực chất, hiệu quả.
Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Hanoi Tourism cho biết, công ty đã ứng dụng chuyển đổi số từ nhiều năm nay, phần lớn khách hàng do công ty khai thác là từ công nghệ số. Tuy nhiên, thực tế triển khai, công ty gặp một số khó khăn trong phát triển du lịch nông thôn, như: Rào cản về ngôn ngữ, những sản phẩm OCOP, đặc sản, đặc trưng của địa phương chưa bảo đảm việc đóng gói, bảo quản, vận chuyển...
Bên cạnh đó, tại một số nơi, người dân không chú trọng giữ nét văn hóa truyền thống mà xảy ra tình trạng "bê tông hóa", "đô thị hóa"... khiến trải nghiệm của du khách suy giảm. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần tuyên truyền vận động nhân dân giữ nét đặc trưng của địa phương; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển vùng trồng cây đặc sản, sản phẩm OCOP truy xuất được nguồn gốc...
Cần sự đầu tư bài bản
Từ những hạn chế trong phát triển du lịch nông thôn, các tham luận tại Diễn đàn đã "hiến kế" để chuyển đổi số, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 dần được khống chế.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset chỉ ra rằng, trong các kênh quảng bá du lịch phổ biến hiện nay có 4 nền tảng (mạng xã hội, website, công nghệ thực tế ảo và các app). Tuy nhiên, thực trạng cho thấy, các nền tảng quảng bá du lịch nông nghiệp - nông thôn không kết nối được với nhau, không tập trung.
"Tôi cho rằng, cần xây dựng nền tảng chung, trang thông tin kết nối tất cả điểm lẻ này cộng với ứng dụng công nghệ mới sẽ hỗ trợ tốt cho quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch", ông Nghĩa nói.
Còn theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, du lịch nông thôn rất cần sự nghiên cứu để tạo sản phẩm trải nghiệm sẵn trên không gian mạng. Các địa phương cũng cần xây dựng những sản phẩm đặc sắc, độc đáo mang giá trị cốt lõi là giá trị nhân văn. Nếu làm được, địa phương sẽ dễ quảng bá sản phẩm.
Cùng với chuyển tải giá trị nhân văn, bà Lan lưu ý vấn đề chuyển đổi số. Trong thời đại 4.0, kết nối qua không gian mạng giúp làm mờ khoảng cách địa lý cũng như tạo ra ấn tượng trải nghiệm ban đầu cho du khách...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thành phố sẽ nâng cấp website, triển khai số hóa các điểm đến du lịch bằng giao diện mới; đẩy mạnh quảng bá du lịch trên nền tảng số; liên kết với các tỉnh, thành để xây dựng các tour, tuyến du lịch thu hút du khách nội địa và quốc tế.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt cho rằng, quảng bá du lịch nông thôn thông qua ứng dụng chuyển đổi số là cách làm rất hay, cần có sự đầu tư bài bản.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng lưu ý, từ sự khác biệt tính chất giữa nông thôn và đô thị, chúng ta cần có những giải pháp chuyển đổi số một cách phù hợp. Các sản phẩm công nghệ từ nhà đầu tư phải hỗ trợ tối đa cho nông dân, phải thuận tiện, dễ hiểu, dễ làm nhất.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ VH-TT&DL và các địa phương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình "Làng du lịch thông minh" tại những nơi có điều kiện phát triển.
Kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Bộ sẽ phối hợp với Bộ VH-TT&DL để có những chương trình chuyển đổi số trong du lịch sát với thực tiễn mà các đại biểu đã nêu ra hôm nay. Các mô hình du lịch nông thôn rất đa dạng nhưng cần có điểm chung là bảo đảm giá trị nhân văn, văn hóa, mang sắc thái từng địa phương; cần phát triển các sản phẩm OCOP có giá trị gắn liền với đặc điểm từng địa phương và cần có đặc sản phục vụ du lịch, trong đó phải quan tâm đến cả chất lượng lẫn mẫu mã...
Gửi phản hồi
In bài viết