Có 3 xu hướng quảng bá du lịch đang được nhiều quốc gia áp dụng là công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI). VR là công nghệ sử dụng kỹ thuật thị giác, hỗ trợ người xem quan sát và xây dựng một môi trường nhân tạo dựa trên thực tế và sự tương tác với xung quanh. AR là công nghệ sử dụng kỹ thuật thị giác dựa trên video thực tế, sau đó hỗ trợ bằng đồ họa để dễ nhận biết.
Trước đây, cách quảng bá thông qua báo chí, tờ rơi hay mạng xã hội, video... phần nào đáp ứng được nhu cầu tham khảo điểm đến, nhưng đòi hỏi của du khách ngày càng cao. Họ thích những trải nghiệm thật và chi tiết trước khi quyết định một chuyến đi. Công nghệ VR, AR ra đời đã đáp ứng được nhu cầu này. Hiệu quả của VR, AR trong du lịch (hay du lịch ảo) đã được chứng minh qua các thử nghiệm và cho thấy số hóa là bước đầu tiên để xây dựng du lịch ảo. Các địa danh sẽ được mô hình hóa 3D, sau đó, các chuyên gia công nghệ sẽ đưa vào môi trường VR và AR để người dùng trải nghiệm một cách toàn diện. Để tăng hiệu quả, nhiều công ty đã trang bị kính VR, AR và xây dựng trang web theo mô hình 3D. Khác với trang web thông thường, website 3D giúp người xem có những trải nghiệm thực tế như đi lại, tham quan, tương tác với địa danh... khiến họ hứng thú tìm hiểu địa điểm chưa từng đến hoặc đang tham khảo.
Chủ tịch Công ty Travel World VR (Mỹ) John C. Graham cho biết, VR/AR là một công cụ đặc biệt để các đại lý tiếp thị hiệu quả trải nghiệm du lịch. Các công ty có thể quảng bá điểm đến và truyền cảm hứng cho khách du lịch thông qua video 360o và các sản phẩm VR/AR. Travel World VR vừa áp dụng công nghệ này đối với việc tiếp thị các điểm đến, tuyến du thuyền, khách sạn, khu nghỉ dưỡng. “Chúng tôi thấy trước ứng dụng VR/AR sẽ trở thành công cụ tối ưu cho các chuyên viên tư vấn du lịch và giúp tăng đáng kể doanh số bán hàng”, ông John C. Graham chia sẻ.
Theo thống kê, 80% khách du lịch thích tự tìm hiểu thông tin cho chuyến du lịch qua internet. Đặc biệt, có tới 36% khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn nếu giao dịch dễ dàng và tương tác tốt. Do đó, AI được xem như sức mạnh mới cho các công ty du lịch. Các công cụ ứng dụng AI sẽ gợi ý cho các công ty lữ hành biết được nhóm khách hàng tiềm năng của họ quan tâm tới điều gì để phục vụ chu đáo hơn. Các hãng vận chuyển và khách sạn ứng dụng AI có thể đưa ra báo giá linh hoạt, tự động thay đổi theo tình hình thời tiết, sự kiện và số phòng còn trống... vừa thuận tiện cho khách du lịch vừa mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, công nghệ AI sẽ đề xuất giúp khách du lịch các địa điểm nên ghé qua, các món ăn nên thưởng thức, các hoạt động và cách di chuyển phù hợp... dựa trên một số danh mục mà khách hàng lựa chọn hoặc lịch sử những website/ sản phẩm họ đã xem trước đó.
Một trong những ứng dụng AI phổ biến hiện nay là chatbot (hộp trò chuyện - phần mềm được lập trình sẵn để giao tiếp, tương tác với con người thông qua tin nhắn văn bản hoặc âm thanh). Nhiều công ty du lịch đã coi chatbot như nhân viên tư vấn đắc lực, hỗ trợ khách hàng mọi lúc mọi nơi, giúp doanh nghiệp vừa giảm chi phí nhân công vừa tăng hiệu suất công việc. Không chỉ trả lời được các câu hỏi thông thường như thời tiết, ẩm thực, đặc sản địa phương, phương tiện và bản đồ di chuyển, chatbot còn cung cấp thông tin về chuyến bay, xe cho thuê, các hành trình, đề xuất những hoạt động mới trong chuyến đi... Một số khách sạn lớn còn sử dụng robot để nói chuyện với khách hàng. Do có khả năng tự học, robot sẽ thu nhận dữ liệu, học hỏi và ngày càng trở nên thông minh hơn, đáp ứng khách du lịch tốt hơn sau mỗi lần tương tác.
Tăng cường áp dụng công nghệ số sẽ tạo nên những điểm đến thông minh, tăng cường lượng thông tin và cách thức truyền tải đến du khách một cách kịp thời, cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như nâng cao giá trị trải nghiệm trong chuyến đi, qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững cho du lịch. Vì lẽ đó, cuộc chạy đua ứng dụng công nghệ số vào du lịch sẽ tiếp tục “tăng tốc” trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết