Chuyển đổi xanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Trước yêu cầu giảm phát thải và những tiêu chí ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang tích cực chuyển đổi sang mô hình xanh, áp dụng công nghệ sạch, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường và xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp.
Chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp.

Những nỗ lực này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Từ mô hình sản xuất xanh đến khu công nghiệp kiểu mẫu

Từ ngày mới thành lập, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Musa Pacta đã phối hợp Hợp tác xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) sản xuất sản phẩm sợi chuối. Các sản phẩm sợi chuối được làm từ thân chuối với giá bán trên thị trường quốc tế hiện nay khoảng 3,5 USD/kg. Nước và bã của thân chuối được tận dụng làm nước tưới, phân vi sinh; bã chuối chuyển thành thức ăn gia súc, giá thể trồng cây...

Giám đốc Bùi Khánh Dũng cho biết, doanh nghiệp đã đồng hành với 10 hợp tác xã tại Hà Nội và các tỉnh ở miền bắc, đầu tư ba nhà máy lớn sản xuất sợi chuối và các sản phẩm từ chuối. 10 hợp tác xã đang tạo việc làm cho khoảng gần 600 lao động, tùy từng thời điểm.

Năm 2021, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hà Diệp (thành phố Bắc Kạn) đầu tư vốn xây dựng nhà xưởng và hệ thống máy móc chế biến trà hoa vàng quy mô lớn. Giám đốc Hà Minh Đợi cho biết, đơn vị đầu tư, liên kết trồng hơn 15 ha trà hoa vàng tại xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông) và Đồng Thắng (huyện Chợ Đồn); ứng dụng công nghệ sấy hiện đại để tạo ra sản phẩm trà hoa vàng nguyên bông với hình dạng, màu sắc gần như nguyên vẹn lúc tươi, giữ trọn hàm lượng các vi chất quý. Đến nay, sản phẩm trà hoa vàng nguyên bông và trà túi lọc được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, có mặt tại hệ thống các siêu thị lớn trên cả nước với giá bán cao.

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, doanh nghiệp may mặc xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên, vừa khánh thành và đưa vào khai thác hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tại Chi nhánh May Việt Thái có công suất 998 kWh, giá trị đầu tư 16 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu điện năng phục vụ sản xuất của đơn vị, mỗi tháng sản xuất lượng điện với giá trị gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, hệ thống này còn giảm phát thải khoảng 800 tấn CO2 mỗi năm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Thời cho biết: “Công ty đã sử dụng các phần mềm mô phỏng tính toán hiện đại trong thiết kế; thay thế lò hơi đốt than bằng lò điện để giảm phát thải CO2, cho nên các nhà máy may của công ty tại cụm công nghiệp: Sơn Cẩm, Võ Nhai, Nam Hòa, và Nhà máy sản xuất bông được cấp chứng chỉ là nhà máy xanh”.

Tại Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, chủ đầu tư là Tập đoàn Sumitomo đã dành 20% quỹ đất cho hệ thống cây xanh, thảm cỏ, cây cảnh, mặt nước và đường giao thông; đầu tư xây dựng 5 nhà xưởng cho thuê phục vụ các dự án công nghệ cao, ít gây ảnh hưởng môi trường. Khu công nghiệp cũng đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất xử lý 9.000 m³/ngày đêm, có khả năng xử lý nước thải chuẩn A theo tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường của Việt Nam; lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất 4 MWp, giúp các nhà đầu tư tiết giảm chi phí sản xuất, giảm lượng phát thải khí CO2.

Bên cạnh đó, các địa phương nỗ lực thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án thân thiện với môi trường cụm công nghiệp; định hướng thu hút FDI xanh, hạn chế các dự án gây ô nhiễm môi trường.

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu, trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp công nghiệp khi áp dụng mô hình tăng trưởng xanh là chi phí đầu tư ban đầu cao, đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng vay vốn ưu đãi hoặc chưa đáp ứng được các tiêu chí khắt khe để tiếp cận nguồn quỹ hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Tại Hà Nội, hơn 60% số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn chưa ứng dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến hoặc mới chỉ thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng ở mức độ đơn giản.

Để khắc phục vấn đề này, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ mạnh về thuế, tín dụng, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại trong quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, tuần hoàn. Giám đốc Công ty Musa Pacta Bùi Khánh Dũng đề xuất, các cơ quan quản lý nên có các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đầu tư vào công nghệ sạch, sử dụng năng lượng bền vững trong sản xuất. Bên cạnh đó, hỗ trợ chuyển giao các nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật về chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện chuyển đổi hiệu quả.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến năm 2030, xác định mục tiêu thu hút thành công các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Duy Đông cho biết: Tỉnh đồng hành cùng các doanh nghiệp triển khai các giải pháp phát triển xanh bền vững, cụ thể là hỗ trợ dự án Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc, định hướng trở thành cảng cạn đạt mức phát thải ròng bằng 0 đầu tiên của châu Á vào năm 2040; phối hợp Công ty Honda Việt Nam thực hiện các giải pháp giảm thiểu phát thải ra môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất…

Tại tỉnh Thái Nguyên, cùng với chủ trương thu hút FDI chọn lọc vào các khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nhằm khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để hóa giải những thách thức có thể gặp phải trong hành trình “xanh hóa”, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, các địa phương cần tích hợp mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch đô thị. Cụ thể là xây dựng các khu đô thị sinh thái, các vùng nông nghiệp hữu cơ kết hợp năng lượng tái tạo, tăng cường diện tích cây xanh đô thị. Cần áp dụng tiêu chí xanh hóa trong phát triển công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải và sử dụng năng lượng sạch. Đề án Quy hoạch của các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2030 cần thực hiện theo hướng ưu tiên phát triển các ngành kinh tế ít phát thải, tận dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục