Khi một người dùng iPhone qua đời, đồng nghĩa với việc tài khoản iCloud của họ sẽ không còn có thể truy cập được. Nhiều người cho rằng Apple nên giao tất cả các dữ liệu của người dùng, từ dữ liệu iCloud, các ứng dụng đã cài đặt, nội dung phim trên iTunes… cho người thân thích của người dùng vừa qua đời hoặc cho bất kỳ ai được liệt kê trong di chúc.
Tuy nhiên, Apple không dễ dàng thực hiện điều này, bởi vì có thể bị kẻ xấu lợi dụng nhằm lấy cắp tài khoản iCloud của người khác.
Vậy Apple sẽ xử lý thế nào khi một người dùng vừa qua đời và người thân của họ muốn có được quyền sử dụng iCloud của người đó? Trên thực tế, không có một câu trả lời rõ ràng nào về vấn đề này và Apple cũng đã từng đề cập trên trang web hỗ trợ của hãng.
"Mỗi ngày, mọi người trên khắp thế giới lưu các tài liệu, kỉ niệm và nhiều thứ quan trọng khác trên thiết bị Apple của họ và trên iCloud. Tại Apple, chúng tôi coi quyền riêng tư là quyền cơ bản của con người và khách hàng luôn mong chúng tôi có thể giữ bí mật an toàn thông tin của họ. Trong trường hợp không may khách hàng qua đời, Apple sẽ không thể biết được liệu họ có muốn chia sẻ thông tin của mình với bất kỳ ai hay người mà họ có thể muốn chia sẻ hay không", Apple cho biết.
Trong thỏa thuận pháp lý và điều khoản sử dụng của iCloud, Apple quy định rằng "Không có quyền của người sống sót" đối với tài khoản Apple ID của người dùng. Trong trường hợp Apple nhận được thông tin về bản sao giấy chứng tử (do người thân hoặc bạn bè của người dùng cung cấp), tài khoản iCloud của họ có thể bị chấm dứt và tất cả các nội dung trong tài khoản sẽ bị xóa.
Tuy nhiên, Apple vẫn cho những người thân của người đã khuất một giải pháp. Theo đó, Apple yêu cầu những người thân phải lấy được giấy xác nhận từ tòa án để xác minh rằng họ là "người thừa kế hợp pháp thông tin cá nhân của người đã mất". Giấy xác minh từ tòa án cần phải chứa một số thông tin nhất định, từ tên của người qua đời và tài khoản Apple ID của người đó.
"Chúng tôi rất đồng cảm với các thành viên gia đình còn sống", Apple cho biết trên trang web hỗ trợ của mình. "Sau khi nhận được lệnh tòa án, chúng tôi sẽ cố hết sức giúp đỡ để cấp quyền truy cập vào thông tin cá nhân hoặc thiết bị mà bạn đang yêu cầu".
Apple lưu ý rằng nếu thiết bị của người đã mất có mật khẩu bảo vệ thì họ sẽ không thể mở khóa được thiết bị đó.
Nếu có đầy đủ giấy tờ từ tòa án, Apple có thể sẽ chuyển tài khoản Apple ID của người đã mất cho người thừa kế hợp pháp. Tuy nhiên, điều này không giúp mở khóa được thiết bị iPhone hoặc iPad của người đã mất, mà chỉ có thể cho phép người còn sống đăng nhập tài khoản Apple ID này vào một chiếc iPhone hoặc iPad khác, từ đó lấy lại các dữ liệu đã được lưu trữ trên iCloud.
Nếu một người qua đời, nhiều người thân sẽ nghĩ đến chuyện sử dụng lại hoặc bán chiếc iPhone và iPad của người đó cho một ai khác. Vấn đề sẽ rất đơn giản nếu như một trong những người thân biết được mật khẩu đăng nhập vào thiết bị. Tuy nhiên, trong trường hợp không một người còn sống nào biết được mật khẩu để đăng nhập vào iPhone và iPad của người đã khuất, vấn đề sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
Như trên đã đề cập, Apple nhấn mạnh rằng hãng sẽ không bao giờ và không thể mở khóa iPhone đã được đặt mật khẩu, ngay cả khi có lệnh từ tòa án. Do vậy, giải pháp đơn giản nhất trong trường hợp này đó là người dùng hãy chia sẻ mật khẩu mở khóa iPhone hoặc iPad với một người thân thiết và tin tưởng nhất, để tránh trường hợp xấu bất ngờ xảy ra.
Gửi phản hồi
In bài viết