Sống với...“phập phồng”
Con đường bê tông lên Ngòi Cái dài hơn 5 km vừa được hoàn thành như một con trăn màu xám khổng lồ uốn lượn từ trung tâm xã đến thôn. Còn nhớ, Ngòi Cái từng được dân sở tại gọi là thôn nhiều không: Không điện, không đường, không sóng điện thoại... Giờ có điện, có đường, sóng điện thoại cũng phủ đến thôn, cái mác nhiều không được xóa.
Qua rà soát, Ngòi Cái có 53 hộ dân phải di chuyển đến nơi ở mới (Một góc Ngòi Cái bình yên hôm nay).
Trong ngôi nhà sàn nằm ở cuối thôn, ông Hoàng Sào Phong, nguyên Trưởng thôn, nguyên Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ngòi Cái nhớ lại, ngày đấy đi họp ở xã, ở huyện khổ lắm. Mỗi lần có việc xuống xã, người cán bộ già này phải đi bộ từ 3 - 4 giờ sáng. Ấy thế mà có lần xã mở lớp tập huấn, ông tấp tểnh đi thật nhanh, thật vội, đến lớp vẫn bị phê bình vì muộn giờ quá...
Người Nùng về định cư ở Ngòi Cái từ những năm 79 - 80 của thế kỷ trước. Bà con chọn nơi địa thế hiểm trở, như trốn đi tiếng súng đạn mà vì nó, mình đã phải rời bỏ quê hương mà đi. Những ngày mới về, bà con bảo nhau chăm chỉ làm ăn, nhưng sau gần 5 thập kỷ định cư ở đây, những lợi thế cũ dần biến thành nguy cơ tiềm ẩn, khi hầu hết bà con sống ở nơi nguy hiểm, có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất hay sát rừng phòng hộ...
Nguyên Trưởng thôn Ngòi Cái Hoàng Sào Phong kể lại, những ngày mưa lũ, là cả bản sống trong phập phồng, lo sợ. Không phập phồng, lo sợ sao được, khi sau mỗi trận mưa, lại có nhiều ngôi nhà bị sập, bị tốc mái...
Còn nhớ mấy năm trước, trận lũ quét qua đã khiến ngôi nhà sàn của anh Lù Văn Long đổ sập. Rất may, vợ chồng anh và lũ trẻ như mọi lần, thấy mưa to kéo dài nhiều ngày đã kịp thời di chuyển sang nhà người thân lánh nạn, nên không thiệt hại về người.
Nhà Lùng Sào Mây cũng chịu chung số phận, khi trận gió lốc khiến toàn bộ mái nhà bị tốc. Cả bản phải xắn tay, cùng lợp lại mái nhà để vợ chồng, con cái có chỗ ở.
Nhà anh Lù Văn Phong là hộ đầu tiên tái định cư ở Ngòi Cái 3.
Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ở Ngòi Cái được UBND tỉnh phê duyệt. Qua rà soát, Ngòi Cái có 84 hộ gia đình, thì có đến 53 hộ phải di chuyển, tái định cư để đảm bảo an toàn.
Xuân mới khu tái định cư
Khu tái định cư Ngòi Cái 3 tại thôn Rạp giờ chộn rộn tiếng nói cười. Những ngôi nhà sàn kiểu mới, những ngôi nhà xây khang trang, bề thế không kém gì nhà của những hộ dân khá giả sở tại vừa được hoàn thành.
Vợ chồng Lù Văn Phong, Lù Thị Seo là hộ gia đình đầu tiên rời Ngòi Cái về đây cất ngôi nhà mới. Năm nay nhà Phong ăn Tết to hơn, vui hơn, bởi những hộ di chuyển sau, tranh thủ ngày Tết vừa đến chơi nhà, vừa đến học cách làm cái nhà đẹp như thế, bền như thế khi được bố trí đất. Sau nhà Phong, nhà chị gái Lù Thị Mím cũng đang chọn ngày để khởi công, dựng nhà ngay gần nhà em trai.
Nhà Hoàng Văn Thanh, Thèn Thị Rích trước đây ở cuối làng, nằm sâu trong rừng. Mấy đứa con của anh chị, mỗi sáng đi học đều phải dậy từ 4 giờ sáng, đi bộ từ nhà ra trung tâm thôn - nơi có nhà người quen - để lấy chiếc xe đạp gửi ở đấy từ chiều hôm trước, rồi đạp vội đến lớp học dưới xã. Nghĩ đến chuyện đi học của lũ trẻ, chị Rích buồn phiền lắm. Ngày tạnh ráo thì còn đi được. Nhưng hễ mưa to là nghỉ học. Không phải là ngại đi, mà là sợ nguy hiểm. Nhiều lần chị bảo chồng chọn đất khác để dựng cái nhà, nhưng khổ nỗi, ở Ngòi Cái, chỗ nào cũng đều khó khăn, nguy hiểm cả...
Gia đình anh Hoàng Văn Thanh, Thèn Thị Rích trong ngôi nhà mới.
Tháng 5-2023, gia đình anh chị chuyển từ nơi ở cũ ra điểm tái định cư Ngòi Cái 3. Chị Rích vui lắm. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị cứ cười mãi: “Ra đây có đường, có điện đã là chuyện vui rồi... Vui hơn là con mình đi học thuận lợi hơn. Học kỳ 1 vừa rồi, cô giáo khen con gái mình học tiến bộ hơn hẳn, con được xếp loại học sinh tiên tiến rồi đấy”.
Anh Thèn Văn Cương cũng không giấu được niềm vui khi cả 3 anh chị em ruột trong gia đình anh đều được bố trí tái định cư liền kề nhau, hiện nay đều hoàn thành nhà ở và chuyển về khu tái định cư sinh sống. Anh bảo dù mới về nơi ở mới nhưng anh không cảm thấy bỡ ngỡ. Bà con vẫn yêu thương, đoàn kết như những ngày còn ở nơi cũ. Cái xe đạp, xe máy, con gà, con dê... để ở ngoài cả ngày cũng không mất trộm. Người Nùng ở Ngòi Cái, có hạ sơn, nhưng những nét đẹp xưa cũ vẫn được bà con bảo nhau gìn giữ theo cách riêng của mình.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ Trần Văn Sự, hiện đã có 12 hộ gia đình được bố trí đất, dựng ngôi nhà mới để yên tâm định cư, làm ăn, sản xuất tại 2 điểm tái định cư Ngòi Cái 1 và Ngòi Cái 3. Xã cũng đề nghị đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành các hạng mục quan trọng, sớm di chuyển hết các hộ dân đến nơi tái định cư an toàn trong thời gian sớm nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết