Cung đường "đau khổ”
Cách trung tâm thôn hơn 1 km, nhưng đường đến Nà Tang vẫn được cán bộ và người dân Trung Hà ví như đường "lên giời". Cung đường chỉ gần 2 km, chỉ có lên mà không có xuống. Tuyến đường sau một trận mưa nhỏ trơn tuột, đá hộc nhô lên như thử thách tay lái người đi đường.
Chủ tịch UBND xã Trung Hà Seo Văn Sử chạy xe ô tô qua đoạn đường vừa đổ bê tông ngay lối rẽ lên Nà Tang, rồi lại bấm điện thoại nhờ người bản địa mang xe máy ra "tăng bo" dẫn khách về bản.
Trưởng thôn Bản Ba 1 Ma Đức Hưu cài số 1, bặm môi đẩy chiếc xe máy leo con dốc thẳng đứng, chở theo mấy cây sắt, cuộn dây thép và ít đinh để cùng người dân Nà Tang làm chiếc cầu bắc qua con suối Ba. Bánh xe đã được anh cẩn thận cuốn dây cao su để tăng thêm ma sát, nhưng vẫn nhọc nhằn bám từng lằn đường để không trượt bánh.
Về đến bản đã gần 1 giờ chiều, mấy đứa trẻ đi học ngoài xã cũng mới dò dẫm đi bộ về đến nhà, áo quần, cặp sách ướt đẫm nước mưa.
Trưởng thôn Ma Đức Hưu dắt chiếc xe máy vượt dốc lên Nà Tang.
Nà Tang chủ yếu là đá vôi, đá tai mèo. Ngày mở đường, cả bản xúm nhau vào người nhặt củi hun từng tảng đá, người đổ nước, người quai búa. Mấy tháng trời, tuyến đường từ Nà Tang đến trung tâm thôn Bản Ba 1 cũng thành hình. Nhưng cũng chỉ là con đường con con, đủ chiếc xe máy chạy qua chạy lại.
Ông Hoàng Kim Sơn lúc này thấy bà con đi lại vất vả quá, tự bỏ sức cuốc đất mở rộng đường, rồi bỏ tiền đổ xi măng nối từ đoạn rẽ vào bản lên đến tận Đức Xuân (Hà Giang). Ông bảo, lúc mình bỏ công bỏ sức ra làm, vợ mình giận lắm. Đến bữa cơm còn chẳng nhìn mặt nhau. Dân bản cũng bảo ông dở người, việc nhà không lo đi lo việc chú bác. Nhưng mỗi lần nhìn thầy cô giáo bám bản đi lại vất vả quá, có người đến điểm trường ngã dúi dụi, mặt mũi áo quần lấm lem xước xát, ông lại chậc lưỡi ai muốn cười thì cười… Ròng rã 3 năm, 2 km đường được ông gùi từng bao xi măng, từng xô cát như chiếc lưỡi khổng lồ vắt dọc cả tuyến đường.
Tuyến đường hình thành, việc đi lại của các thầy cô giáo bám bản thuận lợi hơn. Việc buôn bán, kinh doanh của người Trung Hà với người Đức Xuân cũng nhờ thế mà mở ra nhiều cơ hội. Sau này, nhiều người vì cảm phục ông mà đi qua đi lại lại góp cho ông vài nghìn đồng vừa để hỗ trợ ông kinh phí bảo dưỡng, vừa như một lời cảm ơn. Giờ dấu ấn của con đường ấy vẫn còn, nhưng nhiều đoạn đã trôi trượt sau những trận mưa lớn.
Năm 2017, từ nguồn tiền hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng, Bản Ba 1 quyết định trích 50% thuê máy cuốc mở rộng tuyến đường ra 3,5 mét. Lần đầu tiên Nà Tang có đường ô tô về đến thôn.
2 năm sau, tuyến đường bê tông đầu tiên có chiều dài 600 mét được mở về Nà Tang.
Chiếc cầu đầu tiên được xây dựng ở Nà Tang từ nguồn xã hội hóa.
Không so đo hơn thiệt
Giữa tháng 10, cây cầu bê tông đầu tiên ở Nà Tang được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Ngày khởi công, cả bản vui lắm. Mỗi nhà tự đóng góp một tấm ván, một cây tre, một công lao động để cây cầu nhanh nhanh hoàn thành.
Ông Lý Quốc Vững chỉ tay về mấy ống cống nằm lăn lóc dưới suối, bảo con suối chảy qua thôn ngày thường hiền hòa, nhưng mỗi khi lũ, nước từ đầu nguồn tràn về cuốn phăng tất cả.
Người ở Nà Tang giờ cũng không còn nhớ, mình đã bao lần góp công đặt ống cống qua suối để thuận cho việc đi lại. Chỉ biết sau mỗi trận mưa lớn, ống cống bị cuốn phăng đi, bà con lại hò nhau kéo lên đặt lại.
Giờ được xây chiếc cầu bê tông chắc chắn như này, việc đi lại sẽ ngày càng thuận hơn, con cháu đi học cũng không còn cảnh ướt lượt thượt do lội suối mà đi đi lại lại nữa… Ông Vững cười, dân vui lắm. Nếu có cầu, có đường từ sớm, chuyện học ở Nà Tang sẽ đỡ vất hơn bao nhiêu.
Phụ nữ Dao ở Nà Tang tự may trang phục dân tộc.
Để cây cầu nhanh chóng hoàn thành, đích thân Chủ tịch UBND xã Seo Văn Sử bỏ cả ngày nghỉ, đến hỗ trợ dân bản từ chuyện trộn bê tông, đến tính đếm từng chiếc đinh, từng mét dây thép…
Niềm vui nhân đôi, khi năm nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, Nà Tang được đầu tư tuyến đường bê tông dài hơn 720 mét.
Dẫu còn vất vả, nhưng người dân Nà Tang không so đo hơn thiệt, không tính toán gì nhiều. Nhà nào có đất vướng vào đường, đều sẵn sàng bỏ cây, bỏ đất cho công trình chung. Như nhà Hoàng Kim Tiến, Ma Đức Thạch, Ma Đức Dũng, Ma Công Tuân, Ma Công So…
Rời Nà Tang khi mây chiều lảng vảng quấn quanh triền núi. Câu chuyện người thành phố ngược núi lên Nà Tang săn mây mấy hôm nay vẫn vướng vít bên bếp lửa của những người Dao trên núi. Họ chỉ mong có đường lớn, khách đến Bản Ba cũng sẽ thích thú đến khám phá Nà Tang. Người dân đã bàn nhau sẽ may thêm trang phục, nuôi thêm đàn gà, con lợn để đãi khách đến chơi nhà!.
Gửi phản hồi
In bài viết