Chuyện lão nông U50 khởi nghiệp

- Có một câu chuyện khởi nghiệp ở thôn Nà Ngoãng, xã Côn Lôn (Na Hang) vẫn được mọi người truyền tai nhau với sự cảm phục. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Bình, với hành trình đầy gian nan và thử thách.

Bắt đầu hành trình

Cách trung tâm xã Côn Lôn chừng 5 km, căn chòi nhỏ của ông Nguyễn Văn Bình, thôn Nà Ngoãng nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng xanh ngút ngàn, ngay cạnh khe suối Nặm Lặt róc rách. Giữa những tiếng quạc quạc của đàn vịt đang bơi lội, ông Bình xuất hiện với nước da bánh mật, niềm nở tiếp chúng tôi và kể về hành trình khởi nghiệp.

Sau những câu trò chuyện xã giao, ông Bình dường như cởi mở hơn và bắt đầu kể, ngày xưa gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2007, cậu con trai cả đỗ Đại học Nông lâm Thái Nguyên, với một xã còn nhiều khó khăn như Côn Lôn ngày đó, đây niềm vui, sự tự hào. Nhưng trái với niềm vui của bà con xóm làng, người cha lại cảm thấy nỗi lo nhiều hơn gấp bội vì không có tiền cho con đi học.

Ông tâm sự “vì lo mà nhiều đêm ông thức trắng, ngồi khóc một mình vì thương con và ân hận khi phí hoài tuổi trẻ đã không tập trung làm ăn mà chỉ nghĩ đến hưởng thụ”. May mắn cho gia đình ông Bình là lúc đó có chính sách vay vốn cho sinh viên đi học, cậu con trai đã đạt được ước mơ và ông cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện làm kinh tế để thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Bình, thôn Nà Ngoãng, xã Côn Lôn (Na Hang).

Ông kể tiếp, ngày đầu bắt tay khởi nghiệp là sau dịp Tết Nguyên đán năm 2007, hành trang chỉ vẻn vẹn 4 tấm Fibro, 1 con dao và 1 con lợn nái. Câu chuyện tưởng chừng nghe khá buồn cười nhưng đó là sự thật. Ông tự chặt cây dựng căn chòi nhỏ, tự làm chuồng lợn, sẵn có dòng suối tự nhiên Nặm Lặt, đôi bàn tay chai sạm cứ mỗi ngày hì hụi tự đào ao thả cá. Ông chọn nuôi cá trắm cỏ, cá rô phi để nhanh được quay vòng. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chưa kịp được thu thì cuối năm 2008, trận lũ ập đến, ông gần như mất trắng. Ông Bình nói, lúc đó mình cũng nghĩ quẩn, nhưng được gia đình động viên nên quyết tâm làm lại từ đầu.

Không nản lòng, ông Bình tập trung chăn nuôi lợn, từ 1 con lợn nái ban đầu mang vào trang trại, đến năm 2010 đã nhân lên 30 con. Cuối năm 2010, ông bán một phần thu được gần 20 triệu đồng, với suy nghĩ muốn làm ăn lớn đường sá phải thuận lợi, ông thuê công nhân san ủi, cải tạo con đường dẫn từ phía ngoài thôn vào khu chăn nuôi có chiều dài 1 km. Lúc này cả thôn Nà Ngoãng ai cũng khâm phục ý chí của ông, bởi sự dám nghĩ, dám làm và dám thay đổi.

Ông Nguyễn Văn Bình, thôn Nà Ngoãng, xã Côn Lôn (Na Hang) chăm sóc đàn vịt của gia đình.

Thêm mô hình kinh tế mới

Đồng chí Mông Văn Pó, Chủ tịch UBND xã Côn Lôn tự hào nói, những mô hình kinh tế biết tận dụng tiềm năng tự nhiên như của gia đình ông Nguyễn Văn Bình, thôn Nà Ngoãng được chính quyền xã khuyến khích. Đó là luồng gió mới trong phát triển kinh tế gia trại của người dân nơi đây.

Để đa dạng các mô hình kinh tế, năm 2011, bằng số tiền tích góp, ông Bình mở đầu xu hướng mua gom đất đồi hoang hóa để trồng rừng sản xuất. Ông bảo, ở Côn Lôn người dân chỉ dựa vào sản xuất cây lúa, cây ngô do tiềm năng đất đai, khí hậu vô cùng thuận lợi chứ ít người nghĩ đến trồng rừng. Là người tiên phong trồng rừng ở xã, ông cũng tham khảo nhiều loại cây và quyết định gắn bó với cây mỡ.

Với suy nghĩ “tích tiểu thành đại”, mỗi năm ông Bình đều đặn mua thêm 1 phần diện tích đất rừng, tự cải tạo, tự trồng và chăm sóc, tuy hơi vất vả nhưng sẽ tiết kiệm khá nhiều chi phí. Chỉ tay về cánh rừng ngút ngàn xanh trải dài như thảm lụa, ông Bình tự hào, năm 2019, ông có trong tay 20 ha rừng, đứng đầu toàn xã Côn Lôn.

Vậy cơ duyên nào đưa ông đến chăn nuôi vịt lấy trứng? - tôi hỏi.

Ông Bình trầm ngâm bày tỏ, năm 2014, trong một lần được đi học tập kinh nghiệm và tham quan các mô hình chăn nuôi ở 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, khác với nhiều người chú trọng vào nuôi gà, nuôi dê, nuôi lợn thì ông lại ấn tượng với mô hình nuôi vịt. Bởi nghĩ đến dòng suối Nặm Lặt chảy về từ xã Thượng Nông (Na Hang) nếu biết cải tạo sẽ là nơi chăn nuôi lý tưởng.

Hiện ông Bình đang phát triển chăn nuôi bò sinh sản tại trang trại của gia đình.

Ông Bình tự nhận mình là người cẩn thận, tự tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi. Tháng 6 năm đó, ông nuôi thử 60 con vịt siêu trứng, do môi trường thuận lợi, được “chủ” chăm sóc kỹ lưỡng nên đàn vịt cứ thế lớn nhanh và cho năng suất cao hơn cả kỳ vọng. Ấy thế nhưng lại bế tắc đầu ra, ông dí dỏm, ông nghĩ ra cách biếu vài hộ dân trong xã dùng thử, sau vài tháng với cách làm không giống ai, ông Bình trở thành đầu mối cung cấp trứng vịt cho toàn xã Côn Lôn và vài thương lái ở chợ Yên Hoa, xã Yên Hoa.

Năm 2019, trong trang trại của gia đình ông có gần 1.200 con vịt, mỗi ngày thu nhập hơn 2 triệu đồng. Ông vui lắm, nhưng cũng năm đó bùng phát đợt dịch COVID -19, toàn bộ hoạt động giao thương bị gián đoạn, không kham nổi chi phí thức ăn, ông Bình đành ngậm ngùi bán thanh lý toàn bộ 2/3 đàn vịt được gần 100 triệu đồng.

Ông Bình chia sẻ, sau khi đợt dịch kết thúc, ông lại tiếp tục nhân đàn để chăn nuôi, nhưng chỉ duy trì khoảng 400 con mỗi lứa để đảm bảo chi phí thức ăn. Ông say sưa kể với chúng tôi về cách làm thức ăn từ cây chuối, thóc mầm và cám bột, vịt sinh trưởng tốt, ít bệnh tật, đẻ sai trứng và đặc biệt nhất là chất lượng thịt thơm ngon sau khi hết tuổi khai thác và bán ra thị trường. Ông nhẩm tính, 1 con vịt trừ chi phí thức ăn mỗi năm cũng lãi khoảng 700.000 đồng, chi phí đầu tư con giống ít, nếu biết áp dụng sẽ là cách làm kinh tế bền vững ở nông thôn.

Đầu năm 2022, ông Bình bán được 4 ha rừng đầu tiên trong tổng số 20 ha hiện có, thu được 350 triệu đồng. Chỉ tay về phía đàn bò sinh sản ở góc trang trại, ông kể, mình bán được rừng nên đầu tư nuôi thêm bò sinh sản, bước đầu thấy hiệu quả mang lại khá “như ý”. Dự kiến cuối năm nay, ông sẽ đầu tư khoảng 200 triệu đồng để mở rộng chuồng trại chăn nuôi, tập trung nuôi lợn đen bản địa và phát triển đàn bò. Nếu đúng theo kế hoạch, mỗi năm chắc chắn gia đình cũng có doanh thu khoảng 500 triệu đồng.

Chia tay lão nông triệu phú Nguyễn Văn Bình vào cuối buổi chiều, chúng tôi được ông xởi lởi tặng 1 túi trứng vịt. Trứng vịt suối của triệu phú nông nghiệp, chắc chắn là đặc sản.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục