Chuyện ở Cây Khế

- Đến giờ, hẳn nhiều người ở Cây Khế (Đội Cấn) vẫn còn vẹn nguyên ký ức những ngày đầu về đây lập làng. 26 hộ từ xã Thổ Hoàng, huyện Ân Thi (Hưng Yên) đi xây dựng vùng kinh tế mới gắn bó với đất này hơn 50 năm qua làm nên những điều thật kỳ diệu. Giờ thôn đã thành tổ, xã đã lên phường trong niềm hân hoan của người dân.

Mở đất, lập làng

Bên chén trà nóng trong không gian ấm cúng của nhà văn hóa Cây Khế (nay là tổ nhân dân 11), Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ nhân dân Ngô Tiến Mạnh trầm tư nghĩ về một thời đã xa nhưng vẫn còn đọng lại trong ông khó phai mờ.

Ông bảo, không bao giờ quên được những ngày đầu gia đình lên đây lập nghiệp. Năm 1966, khi đó ông mới 10 tuổi, theo gia đình gồm 9 người lên xe. Ô tô hôm đó vừa chạy, vừa tránh bom đạn của giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Trải qua chặng đường 200 km, thế rồi cũng đến được nơi mà người ta vẫn bảo “khỉ ho cò gáy này”. Nói như vậy là bởi, ở đây khi xưa rừng rú um tùm, làm gì sầm uất như bây giờ.

Nỗi lo lắng và nhớ quê như vơi đi khi các gia đình mới đến được bà con dân tộc Cao Lan ở đây đùm bọc, sẻ chia. Ông Mạnh bảo, khi xe đưa các gia đình đến đã thấy bà con đứng chờ đón, ai cũng hồ hởi, mỗi người một tay giúp vận chuyển đồ đạc, rồi cho ở nhờ thời gian đầu đến. Lâu dần cái tình người miền núi bén vào từ đấy, để cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng xóm làng ngày càng phát triển như bây giờ.


Đoạn đường nông thôn kiểu mẫu ở tổ 11, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang).

Cụ Nguyễn Thị Thêm năm nay bước sang tuổi 92 nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn, cụ vẫn nhớ ngày đầu về đất này. Cụ bảo, thôn lấy tên Cây Khế, là bởi ở đây có rất nhiều cây khế mọc um tùm, hơn nữa để nhắc nhở nhau, dẫu có đi đâu, làm gì cũng không quên nguồn cội, bởi “quê hương là chùm khế ngọt” mà. Cụ Thêm còn nhớ như in cái Tết đầu tiên về đây ăn toàn khoai, sắn bên bếp lửa xua tan đông giá nhưng không ai kêu khổ cả. Mọi người đều bảo nhau xa quê để phát triển, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với đất nước. Quả thực là thế, những hộ gia đình Hưng Yên đã bám đất, mở núi lập nghiệp, chặn suối lấy nước làm thủy lợi cho cây trồng. Chính quyền địa phương luôn sát cánh cùng bà con, phân chia lại đất đai, người dân sở tại cũng nhường đất sản xuất, cuộc sống nhờ thế khá dần lên. 

Đất đã “nở hoa”, nông sản bội thu, bà con không lo cái đói nữa mà còn cung ứng lương thực cho các thương lái bán ở các chợ Đĩa (Cấp Tiến) chợ Ruộc (An Khang)...

Xây miền ấm no

Đội Cấn giờ đã thành phường, thôn làng ngày xưa giờ thành tổ nhưng người dân vẫn gọi nhau là dân Cây Khế. Người dân nơi này không còn thuần nông nữa mà đẩy mạnh các loại hình dịch vụ, nâng cao đời sống.

Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng của gia đình ông Nguyễn Văn Hiếu, một trong 26 hộ lên Cây Khế từ những ngày đầu có thu nhập khá. Ông Hiếu cho biết, đất đai không nhiều nên phải nghĩ cách làm giàu chứ. Nhận thấy nhu cầu xây dựng của người dân ngày càng cao nên ông quyết định đầu tư sản xuất gạch không nung 5 năm nay. Mỗi năm ông bán 36 - 40 vạn viên, doanh thu 600 - 700 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi 100 - 200 triệu đồng. Cuộc sống cũng từ đây khấm khá hẳn lên, giải quyết được việc làm ổn định cho 4 lao động trong gia đình. Giờ có của ăn của để rồi nhưng ông Hiếu vẫn không thể quên những tháng năm về đây dựng nghiệp. Ông vẫn kể cho con cháu nghe về thôn Cây Khế ngày đó để chúng biết nâng niu và phát huy giá trị những gì mình đang có.


Gia đình ông Nguyễn Văn Hiếu (bên phải) đẩy mạnh phát triển kinh tế từ sản xuất gạch không nung.

Cách nhà ông Hiếu không xa là ngôi biệt thự khang trang rộng cả nghìn mét vuông nằm ngay cạnh Quốc lộ 2 của gia đình ông Nguyễn Tăng Đậu. Nhìn vào gia cảnh ông Đậu hôm nay thật khó hình dung đây là một trong những hộ nghèo từ Hưng Yên lên ngày đó. Có lẽ chính gian khó đã thôi thúc ông vượt lên bằng nội lực. Ông Đậu tâm sự, năm 1988, sau 14 năm công tác tại Công ty Gang thép Thái Nguyên, ông được cử đi học nghề và lao động tại Cộng hòa dân chủ Đức. Năm 1991, ông về nước. Trở về địa phương, ông nhận thấy tiềm năng ở đất này là nguồn đá vôi nguyên liệu nên ông nảy ra ý tưởng khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Ông vận động anh em, bà con lối xóm chung tay thành lập HTX sản xuất khai thác đá vôi Đội Cấn. Đã 3 thập kỷ hoạt động, HTX của ông Đậu có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của quê hương, diện mạo Cây Khế, Đội Cấn có được như hôm nay cũng có một phần đóng góp của HTX. Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị thường hàng trăm nghìn khối sản phẩm, doanh thu từ 18 - 20 tỷ đồng, đóng góp ngân sách 2 - 3 tỷ đồng/năm. Hiện, HTX tạo việc làm cho 40 lao động, thu nhập bình quân đạt từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. HTX còn dành 500 triệu đồng cùng địa phương và các thôn bản xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, gia đình ông Đậu đã hỗ trợ toàn bộ chi phí 500 triệu đồng xây dựng nhà lưu niệm để lưu giữ và ghi lại quá trình hình thành và phát triển của tổ dân phố.

Theo UBND phường Đội Cấn cho biết, hiện tổ 11 đã có 126 hộ với 400 nhân khẩu. Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế từ thương mại, dịch vụ, đời sống người dân được nâng cao. Trong thôn hiện chỉ còn 2 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2015 đến nay, nhân dân trong tổ đã hiến hơn 6.000 m2 đất để hoàn thành 1 km  đường bê tông kiểu mẫu, mặt cắt rộng 6,5 m, hai bên vỉa hè rộng 6 m, có đường điện chiếu sáng, hai bên đường đã được trồng hoa đảm bảo cảnh quan môi trường. Ngoài ra, tổ đã hoàn thành xây dựng 800 m đường bê tông ngõ xóm, 1.500 m đường bê tông nội đồng, 650 m kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hóa; 100% hộ trong tổ xây dựng nhà kiên cố, sắm đồ gia dụng hiện đại, nhiều nhà đã có ô tô. Cây Khế giờ phố đã ra phố rồi, cơ ngơi còn hơn nữa bởi đất này có những người con Hưng Yên cần cù, sáng tạo...

Phóng sự: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục