Thấy đúng thì làm trước
Dáng người nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng nhưng dõng dạc, ông Lường Đức Pao xuất hiện với câu chào ấn tượng:
- Xin chào nhà báo, mời anh vào căn nhà nhỏ nơi non cao của tôi.
Bí thư chi bộ Lường Đức Pao, thôn Bản Âm, xã Đà Vị (Na Hang).
Sự mệt nhọc khi vượt gần 150 cây số từ thành phố Tuyên Quang lên Bản Âm trong tôi dường như tan biến, thay vào đó là sự háo hức, hăm hở tìm hiểu về người uy tín Lường Đức Pao, người được bà con tin yêu và tín nhiệm.
Bản Âm xưa nghèo lắm, năm 2006 khi sáp nhập Bản Âm và Bản Thốc thì lại càng nghèo hơn, ông Pao nhớ lại. Ngày đó, bữa đói, bữa no là câu chuyện hết sức bình thường nơi đây. Hủ tục sinh nhiều con, nạn tảo hôn làm cho đời sống của người dân lúc nào cũng rơi vào bế tắc. Vận động làm kinh tế cũng không ai làm, lại là thôn ghép, địa hình đi lại khó khăn, nên muốn tuyên truyền cũng rất khó khăn.
Ông Lường Đức Pao chăm sóc đàn trâu của gia đình.
Được nhân dân tín nhiệm, tháng 7 – 2018, ông Pao được bầu làm Bí thư chi bộ. Một trong những việc đầu tiên mà người Bí thư chi bộ này quyết tâm là làm sao cho bà con mình không còn nghèo nữa. Nhận thấy thổ nhưỡng ở Bản Âm không hợp để trồng keo, ông tham khảo qua sách vở, tham vấn cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang về cách khắc phục và được tư vấn trồng cây mỡ hoặc cây xoan, ông Pao bỏ gần 1 tuần đi tham quan mô hình trồng cây xoan tại xã Tri Phú, Linh Phú (Chiêm Hóa) và cây mỡ tại xã Yên Hoa, Thượng Nông (Na Hang) rồi quyết định đi đầu làm trước. Ông phá bỏ toàn bộ diện tích trên 1ha rừng của gia đình chuyển sang trồng cây mỡ. Ông chia sẻ, lúc đầu làm cả thôn ai cũng ngỡ ngàng bởi sự liều lĩnh, nhưng mình không làm thì không thể thay đổi được nhận thức của nhân dân. Sau 3 năm cây mỡ phát triển tốt, nhân dân thấy ông làm được đồng loạt làm theo, đến nay toàn thôn có 26 ha đất đồi trồng mỡ đang phát triển tốt.
Là cán bộ y tế thôn bản từ những năm 2000, ông Pao hiểu sự ảnh hưởng môi trường sống đến sức khỏe con người lớn đến nhường nào. Ngày đó, 101 hộ dân của Bản Âm đều không có gia đình nào có 3 công trình vệ sinh, vận động mãi cũng chẳng ai nghe theo. Năm 2010, ông Pao đầu tư 30 triệu đồng làm công trình vệ sinh tại gia đình mình và cho nhân dân tham quan, học hỏi. Ông cũng mày mò, liên hệ với những cơ sở đúc bê tông để giảm chi phí cho người dân xuống còn 1/3 so với ban đầu. Người dân lúc đầu cũng không nghe theo nhưng được tuyên truyền mãi cũng lác đác làm rồi thành phong trào toàn thôn làm 3 công trình vệ sinh.
Bí thư chi bộ Lường Đức Pao (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc cây mỡ đạt hiệu quả cao.
Anh Lầu A Lình kể, anh là người Mông, nhà ở vị trí xa nhất của thôn Bản Âm, cách nhà ông Pao gần 8km. Gia đình anh có 4 cháu nhỏ nhưng thường xuyên bị ốm đau và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Anh nhớ mãi năm 2015, anh được ông Pao đến nhà vận động làm nhà vệ sinh, ông còn hỗ trợ 1 phần chi phí nhưng gia đình anh nhất quyết không nghe, cho đó là sự lãng phí, không cần thiết. Phải đến năm 2017, sau đợt ốm nặng của cháu thứ 2, anh Lình mới thấu hiểu sự giúp đỡ và quan tâm của ông Pao trân quý nhường nào. Đầu năm 2018, anh Lình đã chủ động đầu tư làm 3 công trình vệ sinh tại gia đình hết 10 triệu đồng. Anh bảo, mình cứ nghĩ tiêu cực quá, nhưng làm xong mới thấy nghe Bí thư Pao là đúng.
Vận động nhân dân làm kinh tế
“Muốn dân nghe thì phải giúp dân no cái bụng” nghe tưởng chừng đơn giản nhưng để làm được lại không đơn giản chút nào. Ông Hoàng Văn Vàng là câu chuyện như thế. Gia đình ông Vàng là hộ khó khăn nhất của thôn Bản Âm. Ông có 7 người con, kinh tế vô cùng khó khăn, cán bộ xã Đà Vị cũng “bó tay” khi tuyên truyền cho ông Vàng làm kinh tế, ấy thế mà ông Pao lại làm được.
Ông Lường Đức Pao thường xuyên gặp gỡ, tuyên tuyền đến nhân dân các chủ trương, chính sách mới.
Nhà ông Vàng cách nhà ông Pao 7km, nhưng phải đi gần 2km đường đèo đầy sỏi đá, là cán bộ thôn ông Pao chọn cách vận động “mưa dầm thấm lâu”. Hàng tuần, ông đều đến thăm ông Vàng và kết thân thành người bạn, dần dần để thuyết phục ông Vàng làm kinh tế. Ông Pao đứng ra xin UBND xã hỗ trợ ông Vàng số tiền 10 triệu đồng từ Quỹ xóa đói giảm nghèo của xã để đầu tư nuôi dê (năm 2019). Đến nay đàn dê đã có trên 40 con, 2 người con lớn của gia đình đã học hết lớp 12, đi lao động tại các công ty, hàng tháng gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Ông Vàng giờ vui lắm, ông bảo: Năm nay, gia đình ông cũng được chọn để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, thế là gia đình ông có nhà kiên cố, ông quyết phải thoát được nghèo, ông tự tin mình sẽ làm được.
Thôn Bản Âm hiện còn 30 hộ nghèo. Nghe lời Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Lường Đức Pao, đất đồi bỏ hoang trước kia được bà con cải tạo trồng rừng, trồng cây hồng không hạt, cây cam Vinh và chăn nuôi bò. Bản Âm giờ đã có trên 10 ha cây ăn quả, đặc biệt có đàn bò đứng “top” của xã Đà Vị với trên 100 con bò. Nhiều hộ có trên 10 con như gia đình anh Bế Văn Khang, anh Hoàng Văn Khôi, anh Hoàng Văn Hội…. Mỗi năm thôn có doanh thu trên 1,5 tỷ đồng từ các mô hình làm kinh tế.
Năm nay, ông Pao còn được chính quyền xã Đà Vị biểu dương khi đã đưa cây gai xanh vào trồng thử nghiệm. Ông tự bỏ vốn 15 triệu đồng đầu tư cải tạo đất với diện tích trên 4.000 mét vuông trồng thử nghiệm 1 vạn cây gai xanh, đến nay sau lứa đầu tiên thu được hơn 2 triệu đồng, cây đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ông chia sẻ: Hết năm 2023, Bản Âm phải có trên 10ha trồng cây gai xanh, ông chắc chắn như vậy.
Gửi phản hồi
In bài viết