Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đón Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 9/2/2023. (Ảnh: TTXVN)
Theo TTXVN, Tiến sĩ Phạm Đức Minh nêu rõ chuyến thăm mang tính mở đầu cho các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore. Ngoài ra, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này cũng góp phần củng cố, thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các nước ASEAN và thể hiện vai trò, vị thế đang lên của Việt Nam trong khu vực.
Tiến sĩ Phạm Đức Minh đánh giá chuyến thăm đã thu về những kết quả hết sức thiết thực, trong đó đem lại động lực phát triển ở mảng kinh tế số, kinh tế xanh - sẽ là hai ngành mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam thời gian tới. Với các văn bản ghi nhớ được ký kết giữa hai nước, các tập đoàn cũng như các công ty ở Việt Nam có điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư và tài chính của các quỹ đầu tư Singapore và các quỹ đầu tư có trụ sở chính đặt tại Singapore. Ngoài ra, việc hợp tác còn giúp Việt Nam có thể tiếp cận các công nghệ mới nhất của Singapore.
Theo Tiến sĩ Phạm Đức Minh, việc Chính phủ Việt Nam phê duyệt quyết định đầu tư cho Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) Nghệ An II sẽ là một cú huých cho sự phát triển của các khu công nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh gặp khó khăn do nhu cầu sản xuất toàn cầu ở một số ngành giảm sút. Việc đầu tư vào các khu công nghiệp là biện pháp đầu tư đón đầu cho tương lai gần khi kinh tế thế giới hồi phục. Ông nhấn mạnh vị trí địa lý tốt và hạ tầng giao thông ngày càng phát triển đã thu hút các tập đoàn tăng cường đầu tư, mở các nhà máy sản xuất ở Việt Nam.
Chuyên gia Phạm Đức Minh nhận định việc Việt Nam và Singapore đã đạt thỏa thuận quan trọng về kinh tế số-kinh tế xanh sẽ mở đường cho sự hợp tác hơn nữa về thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ... có liên quan giữa hai nước. Việt Nam có thể hướng tới hợp tác trong một số lĩnh vực mà Singapore đi đầu thế giới hay khu vực, đem lại lợi ích to lớn về kinh tế cho cả hai nước. Lĩnh vực đầu tiên có thể ưu tiên triển khai hợp tác là các giải pháp môi trường, năng lượng sạch vì Singapore là một trong những nước đi đầu toàn cầu trong lĩnh vực này.
Lĩnh vực ưu tiên thứ hai là chuyển đổi số, bao gồm chính phủ điện tử, quốc gia thông minh-thành phố thông minh và sản xuất thông minh, trong đó đáng chú ý là sản xuất thông minh vì Việt Nam có thể tận dụng nền tảng phát triển thời gian qua của các khu VSIP. Tiến sĩ Phạm Đức Minh tin tưởng Việt Nam có nhiều cơ sở để đưa đất nước ngày càng phát triển thịnh vượng hơn, sẽ vươn lên với tư cách là một dân tộc, một đất nước hùng cường.
Gửi phản hồi
In bài viết