Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân. (Ảnh: DUY LINH)
Sáng 10/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Cử tri và nhân dân lo lắng về các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia
Trình bày dự thảo báo cáo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo đó, công tác này đã được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm, ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đồng thời, đã làm rõ nhiều vụ việc lớn, phức tạp, xử lý đồng bộ cả kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý hình sự, vừa bảo đảm tính nghiêm minh, vừa có tính nhân văn sâu sắc.
Cũng theo ông Chiến, cử tri và nhân dân hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến sâu rộng của nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Hoạt động chất vấn và giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn được nội dung có tính trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, đúng những vấn đề nổi lên mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân ghi nhận sự cố gắng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành linh hoạt, hiệu quả; đề xuất để Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính…
Tuy nhiên, ông Chiến cho biết, do những bất ổn của tình hình thế giới tác động vào nước ta, các đơn hàng bị cắt giảm, lao động, việc làm, thu nhập của một bộ phận lao động giảm, trở nên gay gắt.
Quang cảnh phiên họp sáng 10/5. (Ảnh: DUY LINH)
Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch Covid-19. Cử tri và nhân dân lo lắng nếu kéo dài tình trạng này thì đời sống sẽ tiếp tục khó khăn hơn.
Ngoài ra, cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng về các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài cầm đầu thông qua gọi điện, nhắn tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan chức năng thực thi pháp luật hoạt động trên không gian mạng tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn của người dân..., gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho xã hội.
Khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm
Về kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Chiến nêu 4 nội dung cụ thể gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, kiến nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động ở các khu công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn.
Ngoài ra, cần có các giải pháp phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm được sự ổn định để phát triển đất nước, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân đã đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, tiết kiệm, bảo hiểm.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua thẻ kỳ nghỉ.
Theo ông Chiến, đây thường là các hợp đồng được in sẵn, đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, vì tin tưởng nên người dân không đọc hoặc đọc cũng không hiểu rõ nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người dân.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng kiến nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, “giữ an toàn quá mức cần thiết”, không dám giải quyết công việc, trì trệ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.
“Suy cho cùng, biểu hiện này cũng là tiêu cực. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho xã hội tốt đẹp thêm, chứ không thể đổ lỗi, sợ, không dám làm”, ông Chiến nhấn mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết