Tình huống bóng giữa hai đội Maroc và Croatia tại trận đấu ở vòng bảng.
Cùng chung bảng F có đội bóng xếp thứ hai thế giới là Bỉ, nhưng Maroc và Croatia đã cho thấy khả năng và bản lĩnh khi giành được vị trí nhất, nhì bảng để đi tiếp rồi tiếp tục loại bỏ những “ông lớn” như Brazil và Bồ Ðào Nha giành suất vào bán kết và chỉ chịu dừng bước trước Pháp và Argentina. Tuy mong muốn nhiều hơn, song một kết quả như hiện tại cũng đáng hài lòng với cả hai đội bóng và họ hoàn toàn thoải mái về tâm lý để bước vào trận đấu cuối cùng ở Qatar. Trước cuộc tái đấu này, hai đội bóng đều thể hiện sự “cân sức, cân tài” và cơ hội là như nhau sau khi họ đã có trận hòa không bàn thắng ở vòng bảng.
Về thực lực, giới chuyên môn vẫn đánh giá đương kim á quân cao hơn đội bóng của châu Phi. Croartia có nhiều cầu thủ ngôi sao dày dạn chinh chiến hơn so với Maroc mà ở đó các yếu tố về trình độ chuyên môn kết hợp kinh nghiệm đã được thể hiện hiệu quả, giúp họ lần lượt vượt qua Nhật Bản đầy sức trẻ ở vòng 1/8 và dàn sao Brazil ở tứ kết sau 120 phút thi đấu và loạt đá luân lưu. Tuy được đánh giá nhỉnh hơn, nhưng Croatia cũng có những mặt yếu, trong đó tuổi tác là một phần lý do khiến cho đội bóng châu Âu yếu thế ở các cuộc đua tốc độ, thể lực và thất bại đậm ba bàn không gỡ trước Argentina ở bán kết.
Cho đến thời điểm này, không ai có thể coi thường đội bóng có biệt danh “Sư tử Atlas” của châu Phi cho dù dàn cầu thủ của họ có thể bị đánh giá thấp hơn so với Croatia. Maroc đang có sự tự tin và quyết tâm cao để lập kỳ tích lịch sử giành hạng ba World Cup năm nay như một món quà lớn cho người hâm mộ nước nhà cũng như của châu Phi. Các cầu thủ Croatia đã biết về sự chắc chắn của hàng thủ Maroc ở vòng bảng và từng làm nản lòng không ít chân sút hàng đầu thế giới ở hai vòng đấu loại trực tiếp.
Trong quá khứ, Maroc từng chạm trán Croatia ở vòng bán kết Giải giao hữu quốc tế King Hassan II năm 1996 với một kết quả hòa 2-2 sau 90 phút thi đấu chính thức và Croatia đã thắng bằng loạt đá luân lưu. Sau trận hòa 0-0 ở vòng bảng World Cup 2022 vừa qua với các chỉ số khá cân bằng và cả hai đội đều chơi khá hay, giới chuyên môn nhìn nhận rất khó để nói trước về một chiến thắng cho thầy trò huấn luyện viên (HLV) Zlatko Dalic, thậm chí là một thất bại nếu họ không thận trọng và tìm cách đưa đối thủ vào hai hiệp đấu phụ hoặc phân thắng thua bằng luân lưu.
Maroc hy vọng vào World Cup 2026
Cho dù không đi đến trận chung kết, nhưng HLV Walid Regragui của Maroc vẫn nuôi hy vọng vào ngôi vô địch ở kỳ World Cup 2026 và muốn truyền lại ý tưởng và sự tin tưởng đó cho các thế hệ tương lai sau những thành công của họ ở kỳ giải lần này. Việc Maroc vào đến tận bán kết đã cho thấy suy nghĩ của Walid Regragui thật sự nghiêm túc.
Hiện nay, độ tuổi trung bình của đội tuyển Maroc là 26 tuổi. Ðến World Cup 2026, các cầu thủ của họ như Yassine Bounou sẽ 35 tuổi, trong khi Nayef Aguerd, Selim Amallah, Sofyan Amrabat, Youssef En-Nesyri và Noussair Mazraoui khoảng 30, được cho là độ tuổi đỉnh cao để các cầu thủ kết hợp khả năng và kinh nghiệm.
Chiến thắng 1-0 trước Bồ Ðào Nha ở tứ kết là cuộc “lật đổ” cuối cùng trong cuộc đua cho thấy đoàn quân của Regragui không sợ ai. Maroc đã sống đúng với biệt danh “Sư tử Atlas” ở Qatar và những màn trình diễn ấn tượng của họ được thế giới ngưỡng mộ. Các cầu thủ ngôi sao Maroc đã có những bước tiến với tốc độ đáng kinh ngạc ở các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu trong những năm gần đây.
Achraf Hakimi gia nhập Paris Saint-Germain, Hakim Ziyech tới Chelsea, Mazraoui ở Bayern Munich, Bounou và En-Nesyri thi đấu tại Sevilla... Các đội bóng lớn của châu Âu cũng đang quan tâm đến Sofyan Amrabat, Ounahi và Aguerd. Việc được thi đấu trên các sân cỏ châu Âu đã giúp các cầu thủ Maroc phát triển về mặt kỹ thuật, thể chất và quan trọng nhất là tinh thần, giúp họ tự tin khi đối mặt với những ngôi sao hàng đầu thế giới tại World Cup. Bên cạnh đó, sự ngoan cường đã tạo nên một Maroc bất khuất, giúp họ trở thành hiện tượng độc đáo tại giải lần này.
Ðóng góp quan trọng vào thành công của đội tuyển Maroc, không thể không kể đến vai trò của Học viện Bóng đá Mohammed VI, Học viện được thành lập năm 2009 này đã giúp phát hiện và phát triển các tài năng trên khắp Maroc. Nơi đây đã chứng kiến nhiều thế hệ tài năng, là cầu nối của họ đến với các câu lạc bộ châu Âu. Một số tuyển thủ Maroc từng theo học tại học viện, nổi bật là En-Nesyri và Ounahi. Liên tục tuyển sinh, liên tục đào tạo, Học viện Bóng đá Mohammed VI bảo đảm ngày càng có nhiều cầu thủ tài năng được phát triển và có cơ hội thi đấu ở châu Âu, góp phần phát triển bóng đá châu Phi. Chính vì vậy, người hâm mộ đội tuyển Maroc đang kỳ vọng “Sử tử Allas” tiếp tục tỏa sáng ở kỳ World Cup 2026.
Gửi phản hồi
In bài viết