Quang cảnh tọa đàm.
Đó là nội dung chính được thảo luận tại tọa đàm đối thoại chính sách Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030, do Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp Viện nghiên cứu Fraser (Canada) và Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế-xã hội (Massei) tổ chức ngày 1/3.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, những nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong hơn 30 năm Đổi mới đã góp phần quan trọng vào việc đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD vào đầu những năm 1990 lên 3.590 USD vào năm 2021.
Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu không vướng bẫy thu nhập trung bình thấp.
“Kinh nghiệm thế giới cho thấy, trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960, chỉ có 13 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008. Thực tiễn này cho thấy để biến khát vọng thành hiện thực, Việt Nam phải tiếp tục con đường đã chứng tỏ mang lại thành công trong hơn 30 năm qua, đó là phát triển kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế”, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương nói.
Cũng theo kinh nghiệm thế giới, đa số các quốc gia khi chạm đến ngưỡng thu nhập của Việt Nam hiện nay sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm dần, nhiều bất ổn kinh tế xuất hiện mang tính cơ cấu rất khó giải quyết dứt điểm trong khi lại phải đối mặt với nhiều vấn đề như: già hóa dân số, an sinh xã hội, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên... Hệ quả là rất ít quốc gia vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Nỗ lực cải cách, phát triển nền kinh tế thị trường từ năm 1986 đã đưa Việt Nam từ quốc gia kém phát triển trở thành quốc gia có quy mô GDP nằm trong nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá thể chế kinh tế thị trường của mình nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn thuộc nhóm nước thu nhập trung bình cao, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều bất ổn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga-Ukraine dẫn đến lạm phát cao trên toàn thế giới, buộc các Ngân hàng trung ương toàn cầu phải thắt chặt tiền tệ, có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Với cách đặt vấn đề như vậy, các đại biểu tham dự tọa đàm tập trung thảo luận để nhận diện các nút thắt thể chế ảnh hưởng đến sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới; rà soát thể chế kinh tế vĩ mô của Việt Nam và các thể chế liên quan đến các thị trường, nhất là thị trường vốn để tìm ra các nút thắt có thể cản trở sự phát triển của Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao; khuyến nghị chính sách để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam trong giai đoạn tới.
Gửi phản hồi
In bài viết