Phái đoàn Taliban chụp ảnh chung tại sân bay Kabul, trước khi khởi hành sang Oslo, Na Uy ngày 22/1/2022.
(Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo truyền thông châu Âu, phái đoàn của Taliban dự kiến có các cuộc thảo luận với các quan chức nước chủ nhà Na Uy, cũng như với các đại diện của Anh, Pháp, Đức, Italia, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ, chương trình nghị sự đàm phán tại Oslo tập trung vào việc thúc đẩy hình thành một hệ thống chính trị mang tính toàn diện tại Afghanistan, phản ứng trước khủng hoảng kinh tế và nhân đạo cấp bách, cũng như mối quan tâm về an ninh, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người, nhất là quyền của trẻ em gái và phụ nữ.
Trả lời phỏng vấn của hãng AFP (Pháp), người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid (Da-bi-hu-la Mu-gia-hít) nêu rõ, Taliban đã thực hiện các bước để đáp ứng yêu cầu của phương Tây và hy vọng tăng cường quan hệ ngoại giao với tất cả các nước. Đại diện của chính quyền Taliban tại Afghanistan nhấn mạnh, Taliban mong muốn "biến bầu không khí chiến tranh thành hòa bình".
Hiện chưa có quốc gia nào công nhận chính quyền Taliban tại Afghanistan, mặc dù một số nước đã có những động thái được đánh giá là hướng tới việc bình thường hóa quan hệ với Taliban. Bộ Ngoại giao Na Uy nhấn mạnh, việc tổ chức đối thoại với Taliban không đồng nghĩa với sự công nhận hay hợp pháp hóa lực lượng Taliban cầm quyền tại Afghanistan.
EU hôm 20/1 thông báo bắt đầu tái lập "sự hiện diện tối thiểu" ở Kabul nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động phân phát viện trợ nhân đạo tại Afghanistan. Tuy nhiên, người phát ngôn chính sách đối ngoại của EU nêu rõ, tuyệt đối không được coi sự hiện diện của EU đồng nghĩa với việc công nhận chính quyền do Taliban thành lập tại Afghanistan.
Trong khi đó, chính quyền Taliban tìm cách chứng minh nỗ lực cởi mở hơn với thế giới. Đại diện của Taliban từng đến Nga, Iran, Qatar, Pakistan, Trung Quốc và Turkmenistan để cố gắng thiết lập các mối quan hệ chính thức. Đáng chú ý, Taliban được cho là đang thể hiện thiện chí tại Oslo, qua việc đồng ý gặp đại diện một số tổ chức xã hội ở Afghanistan, trong đó có cả các nữ lãnh đạo và các nhà báo.
Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế ở Afghanistan, chính quyền Taliban mới đây đã tiến hành thảo luận về việc khảo sát trên bộ nhằm thực hiện dự án đường sắt nối Uzbekistan, Afghanistan và Pakistan. Ủy ban Kinh tế Afghanistan được giao trách nhiệm đánh giá về điều khoản và điều kiện mà các công ty nước ngoài đưa ra. Chính quyền Taliban khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào ngành khai khoáng và các lĩnh vực trụ cột khác của Afghanistan.
Tuy nhiên, thiện chí ban đầu vẫn chưa thể giúp cải thiện tình hình nhân đạo ngày một trầm trọng hơn tại Afghanistan. Theo số liệu của Liên hợp quốc, nạn đói đang đe dọa gần 23 triệu người Afghanistan, tương đương 55% dân số nước này. Nền kinh tế Afghanistan đứng trước nguy cơ sụp đổ, khi các khoản viện trợ quốc tế bị đóng băng, mà trước đó từng chiếm tới 80% ngân sách của Afghanistan. Hàng triệu người Afghanistan mất việc làm, trong khi mùa đông khắc nghiệt, hạn hán nghiêm trọng và đại dịch Covid-19 bủa vây.
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cho rằng, việc phủ nhận các quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái đang gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Afghanistan. Liên hợp quốc kêu gọi các nước sử dụng ảnh hưởng để khuyến khích chính quyền Taliban bảo đảm các quyền cơ bản của người dân Afghanistan, nhất là với phụ nữ và trẻ em. Các nước cần lập tức ngừng việc trục xuất những phụ nữ di cư người Afghanistan đang tìm kiếm sự bảo vệ.
Cần một lộ trình thích hợp mới có thể ổn định tình hình tại Afghanistan. Song, nỗ lực và thiện chí và nhất là vai trò điều phối quan trọng của Liên hợp quốc có thể mở ra cơ hội đối thoại, đem tới hy vọng giúp hàng triệu người dân thoát khỏi thảm họa nhân đạo.
Gửi phản hồi
In bài viết