Vận động viên Nguyễn Thị Oanh (bên trái) đội tuyển điền kinh quốc gia giành 3 Huy chương vàng, lập kỷ lục tại SEA Games 31. Ảnh: Bùi Lượng
Nhóm môn Olympic bứt phá
Thể thao Việt Nam đã khép lại SEA Games 31 trên sân nhà với tổng thành tích 205 Huy chương vàng, 125 Huy chương bạc, 116 Huy chương đồng, vượt rất xa các quốc gia còn lại ở Đông Nam Á. Thế nhưng, điều làm cho giới chuyên môn hài lòng nhất chính là nhóm môn thuộc hệ thống Olympic đã thăng tiến mạnh mẽ.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, Đại hội Thể thao Đông Nam Á vừa qua trên sân nhà đã chứng kiến nhóm môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic giành kết quả khả quan, xuất hiện nhiều gương mặt hứa hẹn sẽ tỏa sáng ở các sân chơi ASIAD, Olympic.
Tại SEA Games 31, các môn điền kinh, bơi lội, cử tạ, thể dục hay bắn súng đã tạo ra màn bứt phá ngoạn mục, trong đó riêng đội tuyển điền kinh giành đến 22 Huy chương vàng. Bên cạnh những vận động viên đã khẳng định được trình độ như Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan…, môn thể thao “nữ hoàng” cũng trình làng nhiều gương mặt triển vọng: Lê Tiến Trọng (3.000m vượt chướng ngại vật), Nguyễn Linh Na (7 môn phối hợp), Lò Thị Hoàng (ném lao nữ), Bùi Thị Nguyên (100m rào nữ), Vũ Thị Ngọc Hà (nhảy xa nữ), Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa nam), Nguyễn Hoài Văn (ném lao nam)…
Còn ở đường đua xanh, các tuyển thủ đội tuyển bơi Việt Nam đã giành tổng cộng 11 Huy chương vàng (vượt chỉ tiêu 6 Huy chương vàng đề ra ban đầu). Các kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo liên tiếp tạo nên những cột mốc mới. Ngay cả kình ngư 16 tuổi Nguyễn Quang Thuấn (em trai kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên) cũng cho thấy triển vọng về sự đa năng ở cự ly 400m cá nhân hỗn hợp, Võ Thị Mỹ Tiên (Huy chương bạc 800m và 1.500m tự do nữ) tiệm cận trình độ của các vận động viên bơi hàng đầu Singapore.
Phụ trách Bộ môn Bơi (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Lê Thanh Huyền cho hay, thành tích thi đấu của các vận động viên đội tuyển bơi Việt Nam cho thấy, tiềm năng đạt thành tích cao ở những sân chơi lớn hơn trong tương lai là rất lớn. Đây là kết quả từ những chuyến tập huấn và thi đấu ở châu Âu thời gian qua, giúp các tuyển thủ tiến bộ mau chóng cả về tâm lý thi đấu cũng như trình độ chuyên môn.
Không chỉ điền kinh hay bơi lội, một số môn Olympic khác, như: Taekwondo, quyền Anh, đấu kiếm… cũng thể hiện sự ổn định. Điển hình là các tuyển thủ: Vũ Thành An (đấu kiếm), Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo), Nguyễn Thị Tâm (quyền Anh) đều giành được Huy chương vàng tại SEA Games 31. Điều quan trọng, họ đã phô diễn được đẳng cấp của mình, tạo thêm niềm tin khi hướng đến ASIAD 2022 (dời lịch tổ chức đến năm 2023) và Olympic Paris 2024.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh, cựu Trưởng đoàn thể thao Việt Nam ở nhiều kỳ SEA Games cho rằng, thành công của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 là kết quả của sự đầu tư đúng hướng. Trong 10 năm qua, các nhà quản lý thể thao Việt Nam đã chú trọng đầu tư vào các môn thể thao trong chương trình Olympic.
Tuy nhiên, đấu trường SEA Games rất khác so với ASIAD và Olympic. Vì vậy, ngành Thể dục - Thể thao cần có sự tính toán kỹ lưỡng cho các mục tiêu vươn tầm, chinh phục thành tích ở những đấu trường lớn hơn, nhất là đối với các môn võ có mặt trong chương trình thi đấu Olympic và ASIAD, như: Taekwondo, boxing, vật, wushu, karate, kurash, judo...
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn, không phải tất cả các môn Olympic đều mang lại sự yên tâm, vì vẫn còn những nội dung chưa thành công và cần được đầu tư nhiều hơn nữa. Thời gian tới, thể thao Việt Nam sẽ tập trung đầu tư cho khoảng 30 vận động viên để giành thành tích cao tại ASIAD 2022 và Olympic 2024. Song, thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu giành được từ 3 đến 5 Huy chương vàng tại ASIAD. Còn muốn đạt mục tiêu cao hơn, cần đầu tư bài bản trong vòng từ 10 đến 20 năm nữa.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng, là đơn vị thường xuyên đóng góp 30% số vận động viên cho các đội tuyển quốc gia, Trung tâm luôn tạo điều kiện để các vận động viên của các môn thể thao nằm trong hệ thống ASIAD, Olympic được cọ xát, nâng cao bản lĩnh thi đấu tại các giải thể thao quốc tế uy tín... Trung tâm cũng ưu tiên nguồn lực để thuê chuyên gia nước ngoài, tạo điều kiện cho các vận động viên được tập huấn trong nước cũng như ở nước ngoài, nhằm nâng cao trình độ, từng bước vươn ra, tiếp cận đấu trường châu lục và thế giới.
Hy vọng, với quyết tâm, đồng lòng từ các cơ quan quản lý thể thao trung ương và địa phương, Việt Nam sẽ thành công tại các đấu trường ASIAD và Olympic.
Gửi phản hồi
In bài viết