Cơ hội năm mới

- Sau nhiều nỗ lực, với sự thích ứng an toàn linh hoạt ngành du lịch đã có những mầm xanh hy vọng. Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vừa xây dựng Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả từ 15/3/2022. Hiện nay, tỉnh ta đang tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương, chủ động khai thác thị trường khách nội địa, thắp lên hy vọng du lịch sẽ nhanh chóng phục hồi.

Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn

Trong những ngày đầu năm mới, ngành Du lịch tất bật đón khách du xuân trong và ngoài tỉnh. Từ mùng 1 đến ngày mùng 6 tết, các địa phương đón hơn 38.000 lượt khách. Tổng thu từ du lịch ước đạt khoảng 28 tỷ đồng. Đây là tín hiệu mừng trên con đường phục hồi và phát triển du lịch trở lại trong điều kiện “sống chung”, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Thời gian gần đây xu hướng du lịch gần gũi thiên nhiên được du khách rất yêu thích. Những khu du lịch sinh thái nằm sâu trong núi, hay những đồi hoa lê, chè, vườn cải... ghi nhận lượng khách du lịch đặt phòng tương đối đều đặn. Dịp Tết Nhâm Dần cơ sở Homestay Đặng Dương của gia đình chị Đặng Thị Dương, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) tiếp đón khoảng 70 lượt khách đến du xuân và trải nghiệm.

Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, hoạt động du lịch nội địa, nội tỉnh bắt đầu khởi động trở lại. UBND tỉnh, các địa phương, doanh nghiệp du lịch, lữ hành tỉnh Tuyên Quang đã nhanh chóng bắt nhịp, đưa ra các sản phẩm mới với tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để hoạt động du lịch được rục rịch khởi động lại sau thời gian dài kiệt sức.
Mới đây, huyện Lâm Bình có chủ trương quy hoạch thôn Khuổi Trang và Khuổi Củng trở thành làng Homestay mang bản sắc dân tộc Mông. Những ngôi nhà trình tường đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông đã được phục dựng. Hay việc tổ chức phố đi bộ, thành lập Hợp tác xã thổ cẩm... đều là hướng đi đúng để quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người vùng cao Lâm Bình đến du khách.

Khách du lịch tạo dáng chụp ảnh tại vườn hoa thôn Nà Héc, xã Yên Lập (Chiêm hóa).

Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Bí thư Huyện ủy Lâm Bình cho biết, ngay từ những ngày đầu năm mới, khách tới Lâm Bình đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại.  Cùng với đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 an toàn, tới đây, huyện Lâm Bình sẽ triển khai xây dựng các làng văn hóa du lịch như Làng văn hóa dân tộc Tày, Làng văn hóa dân tộc Pà Thẻn. Tăng cường quảng bá, giới thiệu và kết nối tour du lịch lên Lâm Bình. Khôi phục, sản xuất các nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng và lựa chọn sản phẩm du lịch đặc trưng.

Tại huyện Sơn Dương nhiều hoạt động tạo điều kiện cho người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện cũng đã được tổ chức. Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, hiện, địa phương đã xây dựng được một số sản phẩm đặc trưng tại địa phương để phục vụ du khách, trong đó có 22 sản phẩm đã được xếp hạng OCOP. Huyện phấn đấu đến năm 2025 đón từ 850.000 lượt khách trở lên, tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 600 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động.

Cùng với các địa phương, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, tung ra những gói sản phẩm mới kích thích nhu cầu du lịch của người dân, du khách. Chị Chẩu Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ cho biết, đơn vị đã xây dựng các sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau, theo hình thức trọn gói khép kín, đảm bảo an toàn. Thực hiện các chương trình khuyến mại  kích cầu du lịch với chất lượng đảm bảo. Kết nối khách du lịch từ “vùng xanh” tới “điểm đến xanh”, xây dựng các tour tuyến du lịch nội tỉnh, từ thác Bản Ba (Chiêm Hóa), Hồng Thái (Na Hang)... Làm mới cho các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên để phục vụ du khách và người dân địa phương.

“Chìa khóa” để mở cửa lại du lịch

Với quan điểm của tỉnh ta là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, để mỗi người đều là “đại sứ” du lịch của tỉnh. Du khách đến với Tuyên Quang không chỉ được trải nghiệm, tham quan, sử dụng dịch vụ, tìm hiểu phong tục, văn hóa mà cảm nhận được tình người xứ Tuyên. Đây là đặc trưng riêng trong mục tiêu phát triển du lịch của Tuyên Quang.

Khách du lịch trải nghiệm đi mảng nghe hát Then trên hồ Nà Nưa, xã Tân Trào (Sơn Dương).

Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, “mắt xích” quan trọng nhất để phục hồi ngành du lịch trong năm 2022 và những năm tiếp theo là tập trung thu hút khách du lịch nội địa làm chủ đạo, tạo điều kiện để người dân trong tỉnh đi tham quan, trảinghiệm các khu, điểm du lịch, đồng thời thu hút khách du lịch đến Tuyên Quang, góp phần giới thiệu, quảng bá du lịch Tuyên Quang; xây dựng hình ảnh du lịch “Tuyên Quang điểm đến an toàn, thân thiện,  hấp dẫn” đối với du khách. Năm 2022, tỉnh phấn đấu đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Để thực hiện điều này, mục tiêu trước mắt phải đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chủ động khai thác thị trường khách nội địa, dần mở rộng tới các địa phương khác và một số thị trường nước ngoài. Tỉnh tạo nhiều sự kiện văn hóa, ẩm thực lớn trong năm 2022 như: Tổ chức các hoạt động chợ đêm, tuyến phố đi bộ, biểu diễn văn nghệ, nhạc cụ; nhảy lửa; trưng bày gian hàng sản phẩm OCOP, gian hàng ẩm thực, các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc; các hoạt động du lịch trải nghiệm về nguồn, trải nghiệm nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng... Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp lữ hành cần tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội như sản phẩm du lịch thực tế ảo 360o, các tour du lịch online để giới thiệu những di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, ẩm thực đặc trưng của địa phương tới du khách. Một tín hiệu đáng mừng ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ký kết Biên bản hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel.  

Với những tiềm năng thế mạnh vốn có về đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh cùng với những giải pháp phát triển du lịch bền vững, tỉnh Tuyên Quang hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong tình hình mới hiện nay.

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục