Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), thị trường điện toán đám mây Việt Nam có 39 nhà cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp trong nước, trong đó có 11 đơn vị xây dựng được 27 trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 19,68% thị phần, còn lại 80,32% thuộc về nhà cung cấp nước ngoài. Với tốc độ tăng trưởng gần 19%, dự báo đến năm 2026, thị trường điện toán đám mây sẽ đạt quy mô khoảng 603 triệu USD và đây sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh thị phần trong “chiếc bánh” cực kỳ hấp dẫn này. Định hướng phát triển đến năm 2030, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra mục tiêu doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh 70% thị phần dịch vụ điện toán đám mây. Vậy, để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp trong nước cần phải làm gì?
Một số nhà cung cấp dịch vụ trong nước cho rằng, trước hết cần sự chung tay chia sẻ, hợp tác giữa các nhà cung cấp lớn để cùng đưa ra sản phẩm tốt, có thể cạnh tranh với nhà cung cấp nước ngoài; thứ hai là cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành chính sách thúc đẩy phát triển các nền tảng đám mây. Cụ thể, theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng, hạ tầng đám mây gắn chặt chẽ với hạ tầng viễn thông và chuyển đổi số. Do vậy cần có quy hoạch và cấp phép với hạ tầng này để các đơn vị lưu trữ dữ liệu, cung cấp dịch vụ có trách nhiệm như với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông…
Đáng chú ý, liên quan đến chính sách, ông Phan Hồng Tâm, Giám đốc khối hạ tầng FPT Smart Cloud thuộc Tập đoàn FPT đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần định nghĩa lại hạ tầng số chính là điện toán đám mây và nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), còn truyền dẫn, trung tâm dữ liệu, mạng viễn thông là hạ tầng của hạ tầng số. Cùng quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Ngô Diên Hy cho rằng, điện toán đám mây hiện nay đang đi vào AI, Bigdata nên việc xây dựng chính sách, quy hoạch thúc đẩy phát triển thị trường này phải được xem xét kỹ lưỡng.
Đại diện FPT Smart Cloud cũng đề xuất, để nghiên cứu một sản phẩm phải cần nhiều thời gian, trong khi các nhà cung cấp nước ngoài có lợi thế hơn doanh nghiệp trong nước ở công nghệ, tài chính, nhân lực, do vậy doanh nghiệp trong nước phải cùng hợp tác để tạo ra sản phẩm cạnh tranh. Đây cũng là quan điểm của lãnh đạo Tập đoàn VNPT khi cho rằng thế giới đang tập trung vào một số nhà cung cấp điện toán đám mây lớn, nên các nhà cung cấp Việt Nam hợp tác thúc đẩy dùng chung càng nhiều thì chi phí sẽ càng rẻ hơn…
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành một số văn bản để thúc đẩy phát triển thị trường điện toán đám mây. Trong đó, đáng chú ý, tháng 5-2020, Bộ đã giữ vai trò quan trọng khi thúc đẩy phát động chiến dịch chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây. Đại diện Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đã có các quy định, chính sách ưu đãi về mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong đó có dịch vụ điện toán đám mây thì phải dùng sản phẩm, dịch vụ trong nước. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Luật Viễn thông sửa đổi và Luật Công nghiệp công nghệ số. Các luật này có nội dung quy định về phát triển hệ thống trung tâm dữ liệu cùng các chính sách ưu đãi…
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, nước ta đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, đạt 30% vào năm 2030. Để mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP năm 2025 thì ngành công nghệ thông tin - truyền thông chiếm 6-6,5%, trong đó điện toán đám mây dự kiến góp 1% GDP và trong 1% này, sản phẩm "nội" phải chiếm 70%... Cho biết đã tiếp nhận các đề xuất của doanh nghiệp, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị các doanh nghiệp điện toán đám mây phải hợp tác mạnh mẽ với nhau, cùng với đó có thể chia theo nhóm phát triển, như làm nền tảng, hạ tầng, dịch vụ điện toán đám mây. Điều này giúp các doanh nghiệp không chỉ hợp tác để cùng mạnh lên mà còn cùng nhau xây dựng được hệ sinh thái toàn diện với phương châm “nếu muốn đi xa, thì phải đi cùng nhau” để từng bước chiếm lĩnh lại thị trường trong nước.
Gửi phản hồi
In bài viết