Tháng 11, khi hoa dã quỳ nở rộ trên Vườn quốc gia Ba Vì, rất nhiều du khách đổ về đây để chiêm ngưỡng, tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Rừng hoa dã quỳ có diện tích rộng khoảng trên 10ha, gồm 5 khu, có tuyến đường mòn đi bộ dài trên 3km, nhiều năm nay trở thành “đặc sản” thu hút hàng nghìn du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.
Để có thể vào ngắm hoa dã quỳ, du khách phải mua vé với các mệnh giá theo lứa tuổi. Cụ thể, với người lớn, giá vé là 60.000 đồng/người, sinh viên 20.000 đồng/người, học sinh 10.000 đồng/người, vé ưu tiên là 30.000 đồng/người. Bên cạnh đó, người mua vé sẽ phải mua thêm vé xe ở 2 cốt 400m và 1.100m.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường, dịch vụ Vườn quốc gia Ba Vì Nguyễn Phi Hùng cho biết, từ cuối tháng 11, mỗi tuần, Vườn quốc gia đón khoảng 25.000 - 30.000 lượt du khách đến tham quan, riêng vào ngày cuối tuần, số lượng khách khoảng 15.000 lượt người.
“Vào cuối tuần, do lượng người đến Vườn quốc gia để ngắm hoa dã quỳ rất đông nên dọc đường lên Vườn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Đặc biệt, vào ngày 20-11 vừa qua, lượng học sinh tăng đột biến với số lượng xe máy lên tới 10.000 xe, tổng lượng khách đến Vườn quốc gia là 22.000 lượt khách, con số kỷ lục trong năm nay”, ông Nguyễn Phi Hùng nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Hànộimới vào cuối tuần qua, từ 9h sáng, dọc con đường dẫn đến Vườn quốc gia Ba Vì, người chật như nêm. Nhiều xe ô tô du lịch to từ 16 đến 45 chỗ gần như không thể nhúc nhích. Xe ô tô con từ nội thành Hà Nội di chuyển đến với số lượng lớn khiến cho đoạn đường tắc nghẽn.
Đáng lưu ý, nhiều thanh niên lái xe máy không đội mũ bảo hiểm, lạng lách và rú ga khá nguy hiểm. Nhiều người sau nhiều tiếng bị ách tắc, không thể lên đến cổng mua vé đã phải quay trở về trong ngán ngẩm.
Đôi bạn trẻ Nguyễn Trung Anh - Dương Thu Linh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, để có thể lên Vườn quốc gia chụp được những bức ảnh đẹp, họ đã phải đến Ba Vì từ chiều tối hôm trước, nghỉ qua đêm tại một homestay gần đó để lên Vườn quốc gia từ sáng sớm. Trong khi đó, đoàn khách từ huyện Ứng Hòa (Hà Nội) sau nhiều tiếng “chôn chân” tại đường lên cổng Vườn quốc gia đã phải quay về giữa chừng.
Trao đổi với phóng viên Hànộimới vào sáng 21-11, ông Nguyễn Phi Hùng cho biết, tình trạng quá tải lên Vườn quốc gia Ba Vì xảy ra thường xuyên từ nhiều năm nay. Vườn hiện có khoảng 85 cán bộ, nhân viên, người lao động, được huy động tham gia vào việc hướng dẫn, tuần tra, phân luồng xe cho du khách; đồng thời, thông báo, nhắc nhở du khách thực hiện các quy định an toàn về tham quan, dã ngoại, cắm trại cũng như cảnh báo lượng khách đông để khách từ bên ngoài có phương án di chuyển phù hợp.
“Vào ngày đông khách, chiều xe ra được phân luồng đi hướng Thiên Sơn, Ao Vua. Trung tâm tổ chức bán vé điện tử và khu vực bán vé riêng cho ô tô nên dù đông nhưng không có chuyện dừng bán vé”, ông Nguyễn Phi Hùng khẳng định.
Cách Vườn quốc gia Ba Vì không xa, Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam cũng trồng nhiều hoa dã quỳ. Du khách có thể chuyển hướng tham quan để tránh ùn tắc cục bộ tại Vườn quốc gia vào ngày cao điểm.
Để tránh việc ách tắc tại Vườn quốc gia gây ra tình trạng lộn xộn, ông Nguyễn Phi Hùng cho rằng, người dân và du khách có thể bố trí thời gian tham quan vào những ngày trong tuần. Thực tế, có những ngày, lượng khách chỉ 1.000 người, đường lên vườn rất vắng.
“Để du lịch an toàn, còn cần sự chung tay, ý thức của người dân, khách du lịch trong việc phối hợp di chuyển theo luồng, đội mũ bảo hiểm, cũng như không ngắt hoa, bẻ cảnh. Thực tế, nhiều đoạn đường ách tắc do người tham gia giao thông tự ý vượt làn, hoặc không chịu di chuyển để chờ đợi nhau”, ông Nguyễn Phi Hùng chia sẻ.
Hiện nay, không chỉ có Vườn quốc gia Ba Vì trồng hoa dã quỳ để phục vụ khách. Nhiều điểm du lịch khác tại Hà Nội cũng trồng các vườn hoa dã quỳ rất đẹp như tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô). Giá vé vào cổng tại Làng là 40.000 đồng/khách. Vào cuối tuần, du khách có thể di chuyển đến những địa điểm này để vui chơi, ngắm hoa dã quỳ...
Gửi phản hồi
In bài viết