Còn khán giả là còn hát…

- Thời gian đã nhuộm sương trắng mái đầu người nghệ sỹ bước sang tuổi 78, cái tuổi không còn cho người ta sức khỏe dồi dào để hào sảng câu hát. Vậy nhưng thời gian không làm phai nhạt trong ông niềm say mê, tâm huyết với âm nhạc. Một buổi sáng tháng 10 yên bình, trong căn nhà nhỏ xinh bên bờ sông Lô, Nghệ sỹ ưu tú Lâm Nho cất vang tiếng hát đưa chúng tôi về với không gian núi rừng và những câu chuyện tình người lính. Nét mặt ông rạng rỡ đầy sức sống! Và tôi biết trong khoảnh khắc ấy, người nghệ sỹ già như được ngồi trên chuyến tàu thời gian trở về với thời trai trẻ nồng nàn nhiệt huyết...

Những sân khấu đặc biệt

Khán giả thường được gặp Nghệ sỹ ưu tú Lâm Nho ngoài đời với dáng vẻ vui tươi, sôi nổi. Ông luôn là người dân dã, gần gũi với mọi người và sẵn sàng cống hiến giọng ca trong bất cứ buổi biểu diễn nào nếu như có cơ hội. Chính sự thân tình, cởi mở ấy luôn là điểm cộng của ông trong mắt khán giả. Chả thế mà sau hàng chục năm về lại bản làng xưa, nơi một đêm trăng thanh nào đó ông từng cất vang tiếng hát, các cô gái, chàng trai năm xưa vẫn nhận ra ông, trao cái nắm tay thân tình. Và ông bảo, đời người nghệ sỹ chỉ cần thế bởi không có giải thưởng nào cao quý và vinh dự bằng tình cảm, sự lưu luyến, trân quý của khán giả dành cho mình.

Trong suốt năm tháng công tác tại Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh, tiếng hát của Lâm Nho đã vang vọng trên mọi nẻo đường, đến những doanh trại bộ đội dọc miền đất nước, đến những bản làng người Tày, người Dao, người Mông xa xôi... Sau khi được tuyển vào đoàn văn công của tỉnh, ông tình nguyện tham gia Đội văn nghệ xung kích hành quân vào chiến trường miền Nam, chiến trường Trung Lào phục vụ văn nghệ chiến sỹ. Với các trang thiết bị, đạo cụ vô cùng đơn sơ, mộc mạc, các nghệ sỹ chủ yếu đi bộ với phông màn, ánh sáng, nhạc cụ trên vai đến hầu khắp các địa phương, trận địa. Vượt qua vô vàn khó khăn, thiếu thốn, anh em nghệ sỹ cùng hăng say biểu diễn trên mâm pháo, giao thông hào, sân kho, hầm trú ẩn... với tất cả niềm đam mê.

NSưT Lâm Nho.

Dẫu có vất vả gian nan nhưng đến bất cứ đâu thì các chiến sỹ đều chào đón nồng nhiệt. Ấn tượng đậm nét nhất trong ông là khi biểu diễn cho các thương binh. Các chiến sỹ bị thương đến xem rất đông và luôn muốn nghệ sỹ hát nữa, hát mãi. Một chiến sỹ bị mất hai chân nhưng hai mắt sáng, được một chiến sỹ khác mất đôi mắt nhưng hai chân lành lặn cõng đi xem văn công, hay hai chiến sỹ mỗi người mất một cánh tay, cùng ngồi sát bên nhau vỗ tay cổ vũ các tiết mục. Những ca khúc Trước ngày hội bắn; Ánh sao đêm; Trường Sơn Đông, trường Sơn Tây... được cất vang như tiếp thêm sức mạnh cho các anh mau chóng lành vết thương.

Hòa bình trở lại Lâm Nho tiếp tục mang lời ca, tiếng hát phục vụ biểu diễn các địa phương trong tỉnh. Ông tâm sự: “trong đêm văn nghệ ở các bản làng, bà con dân tộc đến đông lắm! Ngày đó, sân khấu chỉ là khoảng đất nhỏ được căng bạt, ánh sáng chỉ là 4, 5 bó đuốc; ca sỹ hát “chay” hết. Bằng tất cả nội lực chúng tôi say mê biểu diễn cố gắng đem đến chương trình văn nghệ đặc sắc nhất. Thế nên đi đến đâu bà con cũng đều háo hức chào đón”. Ông tâm sự, niềm tự hào trong cuộc đời làm ca sỹ của ông đó là được đứng trên nhiều sân khấu. Trong đó có những sân khấu đặc biệt mà chỉ những nghệ sỹ thế hệ như ông mới được trải nghiệm. Điều đó giúp ông biết yêu và trân quý cuộc đời hơn, sẵn sàng cháy hết mình trong mọi sân khấu.

Tình người nghệ sỹ

Nghệ sỹ ưu tú Lâm Nho người được biết đến với chất giọng teno nam cao đầy nội lực. Ông cũng là ca sỹ có chất giọng opera, thính phòng. Từ năm 1982, Lâm Nho được bổ nhiệm là Trưởng Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh. 18 năm làm cương vị quản lý nhưng ông vẫn lăn lộn đến tận cơ sở cùng anh em trong đoàn biểu diễn. Chính phong thái làm việc hết mình đó của ông đã tạo cảm hứng, nguồn động lực cho thế hệ trẻ sau này.

Người đời ngưỡng mộ Lâm Nho không chỉ ở tài năng ca hát và nhiệt huyết nghệ thuật mà còn là ở trái tim chân thành của người nghệ sỹ. 

Ông chia sẻ rằng, như một sự gắn bó định mệnh, năm tháng tuổi trẻ ông đã gặp một người bạn đời cùng chí hướng làm nghệ thuật. Trong một gia đình có hai người làm nghệ thuật, lại ở vào thời điểm đất nước trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, mỗi người luôn có ý thức hy sinh, sẻ chia. Đã có thời gian dài cả hai vợ chồng, gửi lại các con thơ và viết đơn tình nguyện vào chiến trường miền Nam để phục vụ văn nghệ. Trên đường hành quân cùng đồng đội, nhiều lúc phải xuyên đêm, xe đạp phải tháo chắn bùn ra vì sợ máy bay địch phát hiện. Đi dưới bầu trời đầy tiếng máy bay kẻ thù và nghĩ đến người lính ngoài mặt trận, bàn chân hai vợ chồng như guồng nhanh hơn những vòng xe. Suốt hàng chục năm gắn bó bên nhau, mái ấm nhỏ tưởng bình yên, ấm êm thế nhưng năm 49 tuổi, bà Hà Thị Vọng, vợ ông đổ bệnh. Một mình ông gánh vác hai vai chăm lo gia đình, chăm sóc người vợ nằm liệt giường, nuôi dạy 3 đứa con khôn lớn, trưởng thành.

Người đàn ông ấy ở cơ quan là một người đứng đầu thế nhưng sau những giờ tan ca, trở về bên mái ấm, ông lại là một người nội trợ khéo léo, người cha đảm đang, người chồng ân cần, chu đáo. Ông bảo, thấy được những thiệt thòi của vợ con thì mình càng phải cố gắng bù đắp. Hơn 20 năm sớm hôm đi về, tảo tần ông vẫn luôn nhất quán tình yêu, sự trân quý dành cho người bạn đời. Và đến khi về thế giới bên kia, bà Vọng vẫn mỉm cười tự hào về bến đỗ bình yên bên ông.

Nghệ sỹ ưu tú Lâm Nho quan niệm trên sân khấu mình có thể lộng lẫy nhất nhưng về với đời thường mình chỉ muốn làm một người đàn ông bình thường nhất để vợ con có thể dựa vào những lúc khó khăn, biến cố. Trong công việc, ông không bao giờ nghĩ mình làm nghệ thuật vì tiền. Thế hệ của ông đi biểu diễn về bụng đói meo là chuyện bình thường. Suốt cuộc đời, cả gia đình sống trong căn hộ tập thể. Mấy năm gần đây, khu nhà tập thể bị giải tỏa, ông phải thuê nhà ở một mình, thỉnh thoảng con cái qua lại. Ông vẫn luôn giữ phong thái lạc quan, vui vẻ. Tinh thần tích cực đó là món quà đặc biệt mà âm nhạc dành tặng cho cuộc đời ông. Và mỗi khi gặp gỡ, chuyện trò, khán giả lại được tiếp thêm sinh lực, nhiệt huyết mà người nghệ sỹ già truyền năng lượng...

Về hưu ông có thời gian dài đảm nhiệm là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca thành Tuyên, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đội Văn nghệ hữu nghị Việt - Lào. Các đội văn nghệ thường xuyên tham gia biểu diễn khắp nơi. Lời ca, tiếng hát của ông lại tiếp tục được cất vang và được đông đảo bà con chào đón. Đó chính là niềm tự hào, hạnh phúc của người nghệ sỹ. Lâm Nho luôn tâm niệm: “còn hơi thở, còn khán giả là còn cất vang tiếng hát”.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục