“Cơn sốt” vàng trở lại: Nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đối mặt nhiều rủi ro

Ngày 16/4, giá vàng miếng SJC chạm mốc 110 triệu đồng/lượng, lập đỉnh mới chỉ sau một tuần liên tiếp tăng mạnh. Trong cơn sốt tăng giá, dòng người đổ xô mua vàng ngày một đông, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhóm dễ tổn thương nhất khi thị trường biến động. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, đầu tư vàng theo phong trào có thể khiến người dân gặp phải rủi ro lớn, đặc biệt khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới có nhiều bất định.

Ảnh: THÀNH ĐẠT

Ảnh: THÀNH ĐẠT

Vàng lập đỉnh, người dân xếp hàng mua

Những ngày qua khi giá vàng liên tiếp tăng cao, tại cửa hàng vàng Bảo tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông, Thành phố Hà Nội, ngay từ buổi sáng, người dân đã xếp hàng dài ra đến vỉa hè để chờ đến lượt mua vàng.

“Cơn sốt” vàng trở lại: Nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đối mặt nhiều rủi ro ảnh 1

Người dân xếp hàng mua vàng trong tuần qua (ẢNH: QUỲNH TRANG)

Ông Trần Nam Tiến, Thành phố Hà Nội nói, ông dồn tiền được bao nhiêu là mua vàng. Giá vàng lên cao nhưng cố gắng mua được một chỉ.

Bà Hoàng Thị Hạnh, Giám đốc Kinh doanh Vàng, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cho biết, Bảo Tín Minh Châu đang đón tiếp lượng khách tương đối đông và chủ yếu người đến mua vàng, chiếm khoảng 80%, còn lại 20% số người đến bán vàng. Bà Hạnh cho biết thêm, thông thường, khi giá vàng lên cao thì lượng người đến mua lại tăng cao hơn ngày thường.

Theo người bán hàng tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu, cửa hàng chuẩn bị khá nhiều loại vàng nhẫn bán cho người mua. Hiện cửa hàng có các loại vàng nhẫn một chỉ, hai chỉ, năm chỉ ... nhưng người nhỏ lẻ mua nhiều nên có những loại hết hàng từ sớm.

Hiện tượng vàng lên cao, nhà đầu tư nhỏ lẻ “đổ xô” đi mua vàng có thể tạo ra nhiều rủi ro mà người đầu tư nhỏ lẻ không lường hết được.

“Cơn sốt” vàng trở lại: Nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đối mặt nhiều rủi ro ảnh 2

Người dân ngồi chờ đến lượt mua vàng (Ảnh: QUỲNH TRANG)

Nguy cơ từ thị trường vàng khó kiểm soát

Giá vàng trong nước đã tăng mạnh liên tiếp trong khoảng 1 tuần nay, từ ngày 8/4 giá vàng ở quanh mức 102 triệu đồng/ lượng.

Đến thời điểm ngày 16/4, giá vàng miếng SJC niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) lên sát mức 110 triệu đồng/lượng.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh, giá vàng biến động mạnh bởi phụ thuộc vào tình hình kinh tế, chính trị quốc tế. Thời gian qua, giá vàng tăng cao, liên tiếp tạo ra “đỉnh” mới bởi ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị trên thế giới, chính sách thuế quan của Mỹ, khiến vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh thêm, đồng USD hiện đang suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt. Trong khi đó, vàng được tính bằng đồng USD, điều này dẫn đến việc các nhà đầu tư đổi hướng sang vàng, góp phần đẩy giá vàng lên cao.

Cùng quan điểm như trên, ông Trần Công Danh, Chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, thời gian qua, trong giai đoạn ngắn hạn, sẽ thấy biến động tài chính xảy ra nhanh, tạo ra rủi ro và khó đoán định, do vậy tâm lý nhà đầu tư sẽ tìm kiếm kênh đầu tư ổn định như vàng, đặc biệt ở những quốc gia như Việt Nam.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một cách tổng quan hơn, khi trước đó, trong các ngày từ ngày 4/4 đến ngày 7/4, giá vàng liên tục giảm mạnh, giá vàng miếng SJC rơi từ mức 102 triệu đồng xuống quanh mức trên 100 triệu đồng/lượng.

Nếu tính từ đầu năm 2025, giá vàng đã có những biến động “bất thường”, sau khi liên tục lập đỉnh mới, thì quay đầu giảm.

Giá vàng biến động không ngừng, vượt qua dự đoán của giới chuyên gia. Và sẽ tiếp tục khó đoán định trong thời gian tới khi tình hình địa chính trị trên thế giới còn nhiều bất định.

“Cơn sốt” vàng trở lại: Nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đối mặt nhiều rủi ro ảnh 3

Giá vàng biến động không ngừng (Ảnh: QUỲNH TRANG)

Nhà đầu tư nhỏ lẻ - Cẩn trọng khi rót tiền

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Nguyễn Minh Cường, Nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam (ADB) cho biết, vàng là một trong các loại tài sản thường được ưa thích khi thị trường biến động mạnh. Trên thế giới, từ năm 1971 đến năm 2022, vàng đã tạo ra mức lợi nhuận trung bình hàng năm là 7,7%, cao hơn so với mức lợi nhuận danh nghĩa 4,2% mà đồng USD tạo ra trong cùng thời kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận của vàng vẫn không bằng hiệu suất của cổ phiếu, ví dụ S&P 500, tạo ra mức lợi nhuận trung bình hàng năm là 10,2% kể từ năm 1971.

Vàng là tài sản trú ẩn, không trả cổ tức, không sinh lãi suất, không tạo ra dòng tiền hoặc doanh thu, và cũng nhiều rủi ro cũng như tốn kém trong bảo quản, nhất là với số lượng lớn. Chuyên gia Nguyễn Minh Cường nói.

Ông Trần Công Danh chỉ ra rằng, thị trường vàng ở Việt Nam là thị trường phi tập trung, mang tính chất giao dịch cá nhân, hiện chưa có sàn giao dịch hoặc quy định tổng thể như giao dịch chứng khoán.

Chênh lệch giữa giá mua và bán khá cao, có lúc lên đến 2 hoặc 3 triệu đồng/ lượng. Mặt khác, giá vàng trong nước cũng cao hơn giá vàng thế giới, có thời điểm lên đến 6 triệu đồng/ lượng. Vì vậy còn nhiều rủi ro cho người dân khi đầu tư theo tâm lý, đầu tư khi giá vàng đang ở mức cao, hoặc “lướt sóng”.

Khi giá vàng bất ngờ đảo chiều và giảm mạnh, các nhà đầu tư ngắn hạn hoặc những người vay mượn tiền để đầu tư sẽ phải đối mặt với rủi ro tài chính đáng kể. Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc điều hành Khoa Tài chính, Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi bổ sung.

“Cơn sốt” vàng trở lại: Nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đối mặt nhiều rủi ro ảnh 4

Nhà đầu tư nhỏ lẻ cần cẩn trọng khi đầu tư vàng (Ảnh: QUỲNH TRANG)

Trong bối cảnh giá vàng đang tăng cao, nhà đầu tư nhỏ lẻ có tâm lý dồn tiền mua vàng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Hoàng, Trưởng Bộ môn Tài chính doanh nghiệp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến cáo: “Khi giá vàng tăng mạnh, nhiều người đầu tư quá mức khiến cầu tăng quá cao mà cung không đáp ứng được. Điều này có thể dẫn đến rủi ro trong một khoảng thời gian nào đó, vì thực tế đã có nhiều lần xảy ra tình huống như vậy. Chính vì vậy, nguyên tắc đầu tư vẫn là phải giảm thiểu rủi ro và phân bổ nguồn vốn hợp lý”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cường chia sẻ về kinh nghiệm ở các nước trên thế giới: “Các nhà đầu tư cá nhân giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào vàng bằng cách áp dụng các chiến lược như đa dạng hóa danh mục đầu tư qua các loại tài sản khác nhau, chọn quỹ ETF (quỹ đầu tư được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán) hoặc quỹ đầu tư vàng để tránh rủi ro lưu trữ vàng vật chất, và mua vàng theo từng khoản nhỏ định kỳ thay vì đầu tư một lần với số tiền lớn nhằm giảm thiểu tác động của sự biến động giá. Nhà đầu tư cũng mua vàng từ nguồn uy tín để tránh rủi ro về chất lượng”.

Ông Nguyễn Quang Huy nhìn nhận, dòng tiền có xu hướng rút khỏi sản xuất, kinh doanh để tìm nơi trú ẩn an toàn trong vàng. Nếu hiện tượng này tiếp tục kéo dài và lan rộng, không chỉ gây ra mất cân đối trong cơ cấu đầu tư xã hội mà còn làm gia tăng nguy cơ “vàng hóa” nền kinh tế, điều mà Chính phủ đã nỗ lực kiểm soát trong suốt nhiều năm qua.

Đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, để giảm thiểu tình trạng phụ thuộc vào vàng như một kênh cất trữ và đầu tư truyền thống, cần trang bị kiến thức tài chính, bắt đầu từ gốc rễ nhận thức. Khi đó, người dân sẽ dần thoát khỏi tâm lý bị động trong đầu tư và chuyển sang tư duy kiến tạo giá trị qua sản xuất, kinh doanh, đổi mới và đầu tư bài bản. Ông Nguyễn Quang Huy nói.

Ông Nguyễn Minh Cường khuyến nghị, trong giai đoạn hiện nay, cần có một giải pháp kích cầu tổng thế, trong đó chính sách tài khóa là quan trọng, cùng với đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, từ đó “kéo” vàng vào lưu thông và sản xuất. Bên cạnh đó, việc cải cách thị trường tài chính làm tăng các kênh đầu tư khác ngoài vàng, sẽ là giải pháp lâu dài không những để giải tỏa sức ép lên thị trường vàng, mà còn để bảo đảm thị trường tài chính bền vững và ổn định.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục