Công bố các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Chiều 15/1, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các vụ, đơn vị trực thuộc và công tác cán bộ. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì hội nghị.


Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Hội nghị. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Hội nghị. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đồng chí Hoàng Trọng Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố Quyết định số 219-QĐ/TW, ngày 28/12/2024 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức, bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Quyết định số 219 nêu rõ, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng và thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng của Trung ương.

Công bố các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương ảnh 1

Đồng chí Hoàng Trọng Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức, bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương chuẩn bị các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, các báo cáo, đề án, các vụ việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định theo thẩm quyền; kiểm tra, giám sát, kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được quy định trong Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao; tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác hằng năm do Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định.

Theo Quyết định số 219, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp Văn phòng Trung ương Đảng, các ban đảng ở Trung ương tham mưu, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận, quyết định của Đảng (theo quy định tại Điều 30 Điều lệ Đảng); Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng; Đề xuất ý kiến đóng góp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Thẩm định các đề án của các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội về những nội dung liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng (là cơ quan chủ trì), Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo dõi, giám sát việc thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư…; và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

Về cơ cấu tổ chức, theo Quyết định của Bộ Chính trị, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương được cơ cấu gồm 9 vụ địa bàn và 3 vụ chuyên đề, so với trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đã giảm 2 đơn vị cấp vụ và 7 đơn vị cấp phòng.

Công bố các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương ảnh 2

Hội nghị nghe công bố các quyết định quan trọng về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Biên chế của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Bộ Chính trị quyết định trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương. Khi cần thiết, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương được trưng tập một số cán bộ phục vụ công tác nghiên cứu và thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng.

Hội nghị cũng nghe thông báo về việc kết thúc hoạt động của một số vụ, đơn vị, phòng; công bố các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các vụ, đơn vị, phòng thuộc Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau sắp xếp; và các quyết định về công tác cán bộ.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Cẩm Tú nhấn mạnh, điểm mới tại Quyết định số 219 là Bộ Chính trị giao Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, giám sát, kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Về tổ chức bộ máy, sau khi sắp xếp còn 9 vụ địa bàn và 3 vụ chuyên đề. Để kịp thời triển khai nhiệm vụ, lãnh đạo Ủy ban đã ban hành Quy chế làm việc của cơ quan theo tinh thần Quyết định 219; phân công địa bàn cho các vụ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; kịp thời ban hành các quyết định về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các vụ, đơn vị; chuyển chức năng nhiệm vụ và giao biên chế về các vụ, đơn vị.

Công bố các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương ảnh 3

Đồng chí Trần Cẩm Tú đề nghị, ngay sau hội nghị, các vụ, đơn vị thực hiện, triển khai ngay các công việc được giao theo các quyết định. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đồng chí nêu rõ, với tinh thần trách nhiệm rất cao, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã rất khẩn trương, gương mẫu đi đầu, hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, các cơ quan Trung ương phải làm trước, làm mẫu, làm gương. Để bảo đảm hoạt động của Ủy ban, của Cơ quan liên tục, hiệu quả, không bị gián đoạn, đồng chí đề nghị, ngay sau hội nghị, các đồng chí thành viên Ủy ban, các đồng chí đứng đầu các vụ, đơn vị thực hiện, triển khai ngay các công việc được giao theo các quyết định.

Những đơn vị mới được sáp nhập cần khẩn trương xây dựng quy chế làm việc để kịp thời quản lý, điều hành theo quy chế. Cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất trong phân công nhiệm vụ trên cơ sở đánh giá khách quan, minh bạch, phân công đúng sở trường của cán bộ, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với những cán bộ xin nghỉ trước tuổi.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục