Đại diện Ban tổ chức trao các phần thưởng cho hai tác giả đạt giải nhất (đứng giữa). (Ảnh: Ban tổ chức)
Lễ trao giải diễn ra ngày 23/10 tại Viện Goethe Hà Nội với sự tham dự của bà Helga Margarete Barth, Đại sứ Đức; Tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội Oliver Brandt và Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoàng Linh, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.
Trong bài phát biểu chúc mừng, Đại sứ Helga Margarete Barth nhấn mạnh vai trò quan trọng của logo trong các hoạt động truyền thông dự kiến của các cơ quan đại diện ngoại giao Đức tại Việt Nam và Chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Đức và các đối tác thân thiết chung của Đức và Việt Nam trong năm kỷ niệm 2025.
Đại sứ Helga Margarete Barth đã trao giải nhất cuộc thi thiết kế logo 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức cho nhóm sinh viên đến từ Hà Nội, gồm Nguyễn Trần Mỹ Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) và Đỗ Đức Cường (Đại học Bách khoa Hà Nội).
Đại sứ quán Đức phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức phát động cuộc thi thiết kế logo kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức từ ngày 15/6 đến 15/8/2024.
Theo thể lệ, nội dung chủ đạo của logo là màu sắc của quốc kỳ Đức và Việt Nam cũng như con số 50, gắn với các chủ đề: ngoại giao, trao đổi văn hóa, con người, truyền thống... Đối tượng được tham gia là các nhà thiết kế, họa sĩ chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư, các văn phòng thiết kế, các tổ chức, các nhóm hoặc cá nhân (18 tuổi trở lên).
Logo kỷ niệm sẽ nhấn mạnh sự gắn kết bền chặt và lâu dài giữa hai nước cũng như thu hút sự chú ý của công chúng tới dịp kỷ niệm quan trọng này trong các bài viết, các chiến dịch báo chí và truyền thông cũng như tại các sự kiện công cộng diễn ra trong suốt năm kỷ niệm.
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Phương Hòa chia sẻ: Quyết định lựa chọn logo đoạt giải thể hiện sự coi trọng yếu tố sáng tạo, đổi mới sáng tạo, đối thoại liên văn hóa, thúc đẩy sự hiểu biết, củng cố sự tin cậy, làm cơ sở tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực. Cùng nhau, hai bên sẽ đưa ra nhiều sáng kiến trong năm 2025, tiếp tục viết lên câu chuyện hợp tác thành công một cách toàn diện, bao trùm hơn trong 50 năm tiếp theo mà ở đó con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể, vừa là mục tiêu, là động lực phát triển quan hệ hai nước.
Gửi phản hồi
In bài viết