Các đại biểu, chuyên gia tham gia thảo luận tại chương trình.
Chương trình có sự góp mặt của những gương mặt diễn giả với nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực giới, nhân văn và công nghệ, dữ liệu giới, gồm bà Nguyễn Xuân Hường - Trưởng nhóm Nghiên cứu TUVA Communication, sáng lập mạng lưới Listening Vietnam; ông Võ Tuấn Sơn - chuyên viên phân tích chính sách về chuyển đổi số tại Ngân hàng Thế giới, ông Lê Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng.
Tại chương trình, các đại biểu, chuyên gia đã bàn về thực trạng trí tuệ nhân tạo (A.I) và tác động của A.I với định kiến giới, nguyên nhân của thực trạng này, ảnh hưởng của nó đến ứng dụng trong sản xuất nội dung truyền thông xã hội và quảng cáo.
Theo đó, các diễn giả đã nêu lên thực trạng: Trong 6 tháng, kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2022, đầu năm 2023, ChatGPT đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới và trở thành biểu tượng của làn sóng trí tuệ nhân tạo (A.I). Thực tế, công cụ trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng từ nhiều năm về trước và hiện đang được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực sản xuất nội dung truyền thông - quảng cáo. Sự phát triển chóng mặt của trí tuệ nhân tạo đã dấy lên những quan điểm về cơ hội và mối đe dọa mà A.I mang lại cho ngành truyền thông phát triển, sản xuất nội dung. Một trong những nghi ngại về ứng dụng của A.I, đó là việc tồn tại những định kiến của con người trong các thuật toán và dữ liệu của công cụ này.
Bà Mai Quỳnh Anh, Quản lý Chương trình tại TUVA Communication chia sẻ, Ban tổ chức kỳ vọng nhận diện được những cơ hội và đặc biệt là thách thức của việc ứng dụng A.I vào sản xuất nội dung truyền thông - quảng cáo nhằm tìm ra giải pháp và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm sự công bằng và toàn diện trong sự phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện nay. Cụ thể, cần hạn chế tình trạng xác định khuôn mẫu giới thể hiện trong các sản phẩm quảng cáo, khuôn mẫu về hình tượng nam tính - nữ tính, khắc phục sự phân bổ hình ảnh và vai trò của nam giới và nữ giới trong các sản phẩm quảng cáo - truyền thống không đồng đều, đa dạng.
Đơn cử như tình trạng hình ảnh phụ nữ thường được gắn với công việc chăm sóc con cái, nội trợ trong gia đình nhiều hơn nam giới. Nam giới được nhìn nhận là phải mạnh mẽ, quyết đoán, do đó phù hợp với các công việc đòi hỏi áp lực cao. Phụ nữ được tin rằng, có những tố chất mềm mỏng, thích hợp với các công việc ít cạnh tranh, ổn định, như làm nội trợ, nghề giáo. Điều này dẫn đến định kiến về nghề nghiệp đối với cả nam và nữ giới.
Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao giải cuộc thi Giải chạy ảo “Genderathon - Đường đua không giới hạn” - một sự kiện thường niên nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Trong thời gian phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 2.300 người chạy đăng ký tham gia. Qua 7 ngày chạy thử thách, hơn 70.000km được bền bỉ ghi lại, trong đó có hơn 1.300 vận động viên hoàn thành xuất sắc cự ly 21km đề ra. Hơn 1.700 cá nhân và 411 tập thể xuất sắc nhất đã được ghi lại thành tích và nhận được giải thưởng từ chương trình.
Gửi phản hồi
In bài viết