Hãng sản xuất máy bay Airbus mới đây dự báo, việc đi lại bằng đường hàng không ở châu Á sẽ tăng trở lại khi có thêm nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa ở biên giới và khu vực này sẽ chiếm phần lớn nhu cầu về máy bay trong 20 năm tới. Trong khi Mỹ và nhiều nước châu Âu đã nới lỏng các biện pháp hạn chế và nhu cầu đi lại đã được khôi phục, châu Á đang tụt lại phía sau khi du khách nước ngoài vẫn bị cấm và các quy định cách ly bắt buộc vẫn đang có hiệu lực ở nhiều nước. Tuy nhiên, gần đây, một số nước châu Á thông báo sẽ đón nhận khách quốc tế đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, tạo "cú huých" rất cần cho ngành du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.
Philippines đã mở lại biên giới cho khách nước ngoài đã tiêm phòng Covid-19, trong khi Singapore mở rộng danh sách các quốc gia có thỏa thuận miễn cách ly khi nhập cảnh. Indonesia và Thái Lan cũng từng bước rút bớt quy định về thủ tục nhập cảnh để thu hút du khách trở lại với các "thiên đường du lịch" và dần hướng tới mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch.
Phát biểu tại Singapore Airshow, sự kiện hàng không vũ trụ lớn nhất châu Á, Phó Giám đốc tiếp thị của Airbus, ông Alexis Vidal cho biết: "Thị trường đã rất khó khăn trong vài năm qua nhưng đang phục hồi rõ rệt. Ðây sẽ là giai đoạn rất lạc quan đối với ngành hàng không".
Ông Vidal nhận định, tin tức tốt lành là các đường biên giới đang từng bước được mở lại, đồng thời dự báo rằng, nhu cầu sẽ tăng mạnh vì mọi người đều rất muốn đi du lịch. Ông Vidal cho biết, Airbus vẫn tin tưởng vào khu vực này, cho rằng châu Á-Thái Bình Dương sẽ chiếm 42% trong số hơn 9.400 máy bay cỡ vừa và lớn mà thế giới cần trong 20 năm tới.
Triển lãm hàng không Singapore Airshow lần này thu hút hàng trăm đại diện của ngành hàng không, ít hơn so với bình thường vì dịch bệnh. Lịch trình chính trong những ngày diễn ra sự kiện là tìm cách thúc đẩy đà phục hồi trong một khu vực mà khách du lịch quốc tế vẫn đang phải đối mặt hàng loạt biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Airbus cho biết ước tính trong thời gian từ quý IV/2022 đến quý III/2024, hoạt động đi lại bằng đường hàng không toàn cầu sẽ đạt mức trước khi bùng phát dịch. Ðối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dự báo du lịch hàng không sẽ đạt mức trước năm 2019 vào quý I/2023.
Tại châu Âu, 27 quốc gia thành viên EU đã đề xuất dỡ bỏ hạn chế tạm thời với việc đi lại không cần thiết tới EU đối với những trường hợp đã tiêm vắc-xin được EU hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt, hay những trường hợp đã khỏi Covid-19 trong vòng 180 ngày trước chuyến đi.
Nhiều quốc gia đã mở cửa cho du khách nước ngoài như Hy Lạp, Pháp, Bồ Ðào Nha, Thụy Ðiển và Na Uy hướng tới nới lỏng hơn nữa quy định nhập cảnh, theo đó bỏ yêu cầu xét nghiệm sàng lọc tại điểm đến đối với những du khách đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Bộ trưởng Y tế Italia mới đây đã ký sắc lệnh mở rộng các quy định nhập cảnh nước này đối với công dân các nước ngoài châu Âu. Quyết định này được xem là biện pháp nhằm thúc đẩy du lịch, một phần trong tiến trình mở cửa trở lại.
Tại châu Ðại Dương, du khách quốc tế đã trở lại Australia. Ngành du lịch của "xứ sở chuột túi" hy vọng sẽ sớm phục hồi và trở lại trạng thái mạnh mẽ như giai đoạn trước đại dịch. Khoảng 1,2 triệu du khách từ khắp thế giới đã được cấp thị thực và có thể đến Australia ngay sau khi nước này mở cửa trở lại hôm 21/2. Trong ngày đầu tiên mở cửa, khoảng 56 chuyến bay quốc tế hạ cánh tại nước này. Mặc dù con số này còn ít so với giai đoạn trước đại dịch, nhưng số lượng chuyến bay quốc tế đến Australia được cho là sẽ tăng dần trong thời gian tới.
Giám đốc điều hành Hãng hàng không quốc gia Qantas của Australia cho biết, thông tin mở cửa biên giới đã giúp cho lượng đặt vé máy bay quốc tế của hãng tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Gửi phản hồi
In bài viết