Nhiều vấn đề “nóng”
Phiên chất vấn về nhóm vấn đề lao động, việc làm có số lượng đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn đông “kỉ lục’’ với 99 đại biểu đăng ký. Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đối với lĩnh vực này bởi đây là lĩnh vực rất rộng, bao trùm đời sống và gắn với các quyền lợi thiết thân của tất cả người lao động.
Phần chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tuyên Quang.
Nhiều đại biểu cho rằng thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, cả về quy mô, cả sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp, tốc độ tăng năng suất lao động của nước ta vẫn còn khá chậm, đã 2 năm liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu về tăng năng suất lao động do Quốc hội giao. Điều này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau như nguồn nhân lực, định hướng phát triển ngành nghề, khoa học kỹ thuật…
Cử tri Đào Văn Vũ, tổ 8, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) cho rằng, việc cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là trong thời đại số bởi điều này có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong thời gian tới... Ông trông đợi vào những giải pháp triệt để, toàn diện và đủ mạnh để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội, các đại biểu cho rằng, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, một trong các vấn đề đang tồn tại khá phổ biến tại các doanh nghiệp đó là tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nhiều ý kiến cử tri phản ánh điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền lợi hưởng bảo hiểm của họ.
Bà Cao Thị Liên, phường Tân Quang (TP) đánh giá cao chất vấn của đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang trước Quốc hội. Tình trạng chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội thời gian qua có thể nói diễn ra khá nhiều nhưng hầu hết chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý, chính vì vậy một số doanh nghiệp đã cố tình vi phạm. Mặc dù quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nhưng rất ít trường hợp khiếu nại hay tố cáo. Do vậy, đại biểu cho rằng, việc tìm ra giải pháp hạn chế tình trạng này rất quan trọng giúp bảo toàn hệ thống bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.
Về những nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Trong đó cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Đồng thời, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động...
Xây dựng các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có trọng tâm, trọng điểm
Đối với nội dung nhóm vấn đề về dân tộc, nhiều đại biểu cho rằng, dân tộc miền núi luôn là vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta bởi chúng ta đặt mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững, nhân văn. Cử tri và nhân dân thời gian qua rất quan tâm đến việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bà Nông Thị Hằng, cử tri xã Năng Khả (Na Hang) cho rằng: Hiện nay đang phân định vùng theo trình độ phát triển, chủ yếu dựa vào tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới… Nhưng thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương còn nhiều khó khăn, do vậy rất mong Quốc hội đánh giá lại tiêu chí phân định 3 khu vực để xác định xây dựng và đề xuất một tiêu chí mới đảm bảo phù hợp hơn, đảm bảo các yếu tố về mặt địa hình, địa giới hành chính, về trình độ phát triển.
Bà Hằng cũng đồng tình với ý kiến chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy về việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua ý kiến của đại biểu Thúy rất mong Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc sẽ làm rõ các điểm nghẽn, vướng mắc và các nguyên nhân chậm triển khai các chương trình để từ đó đưa ra giải pháp khắc phục nhanh, hiệu quả trong thời gian tới bởi việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia gắn liền với mục tiêu phát triển dài hạn của nước ta.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được thiết kế với 10 dự án thành phần có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, được triển khai trên địa bàn 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi... Việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bất cập như: Hệ thống văn bản hướng dẫn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và một số chính sách mặc dù đã được ban hành nhưng văn bản hướng dẫn được triển khai chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, làm chậm triển khai các chính sách đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.
Về bố trí vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí đủ vốn theo đúng tinh thần của Nghị quyết cho giai đoạn từ nay đến 2025. Ngoài ra, trong cơ cấu vốn bố trí một số nguồn vốn khác, gồm vốn tín dụng, vốn của địa phương đối ứng; huy động nguồn ODA và các nguồn vốn xã hội khác. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí đủ nguồn theo kế hoạch hàng năm để triển khai theo đúng kế hoạch bố trí vốn Quốc hội đã phê duyệt.
Sự thẳng thắn trong chất vấn và trả lời chất vấn đã tạo niềm tin, niềm phấn khởi của cử tri triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết