Trẻ em Cuba được tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa Covid-19. (Ảnh Bộ Y tế Cuba)
Nhiều nghiên cứu cho thấy, biến thể Omicron có mức độ lây nhiễm cao hơn nhiều so chủng Delta, dù ít khả năng gây các triệu chứng nặng. Ðiều này dẫn tới sự bùng nổ số ca nhiễm trong cộng đồng và làm quá tải hệ thống y tế tại nhiều quốc gia. Trong số này, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương bởi sự lây lan của biến thể Omicron do các loại vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn chưa được giới chức y tế chấp thuận sử dụng cho trẻ dưới 5 tuổi.
Trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở Cuba được ghi nhận vào tháng 12/2021. Từ đó đến nay, ngành y tế của đảo quốc Caribe kiểm soát rất tốt tình trạng lây nhiễm, không để mức tăng đột biến như nhiều quốc gia khác. Số ca mắc mới tại Cuba giảm hơn 80%, có thời điểm thấp hơn so mức đỉnh dịch. Các chuyên gia nhận định, tỷ lệ bao phủ vắc-xin cho phần lớn dân số, trong đó có chiến dịch tiêm chủng sớm cho trẻ em là chìa khóa quan trọng giúp "Hòn đảo tự do" đối phó được sự lây lan của biến thể Omicron. Thống kê của trang dữ liệu toàn cầu Our World in Data cho thấy, Cuba hiện đứng thứ 3 thế giới về tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin toàn dân (sau UAE và Bồ Ðào Nha), với gần 94% tổng số dân tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa Covid-19, trong đó hơn 87% đã tiêm chủng đầy đủ. Theo chuyên gia nghiên cứu vi-rút Amilcar Pérez-Riverol (A.Ri-vê-rôn) thuộc Ðại học bang Sao Paolo của Brazil, Omicron không gây tác động nặng nề như biến chủng Delta và sẽ không tạo nhiều áp lực cho hệ thống y tế Cuba, trái ngược sự bùng nổ của biến thể này tại nhiều quốc gia thời gian qua.
Vượt qua những hạn chế, khó khăn kinh tế do cấm vận, Cuba đã tự nghiên cứu, phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 và trở thành nước đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho trẻ em trên 2 tuổi vào tháng 9/2021, với hai loại vắc-xin sản xuất trong nước là Abdala và Soberana 02. Theo dữ liệu chính thức của Cuba, khoảng 1,8 triệu trẻ em, thanh thiếu niên từ 2 đến 18 tuổi (tương đương 96% tổng số trẻ trong độ tuổi này) đã được tiêm chủng đầy đủ mà không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào gặp tác dụng phụ nghiêm trọng. Bộ Ngoại giao Cuba ghi nhận, chiến dịch tiêm chủng quốc gia đã đạt kết quả xuất sắc.
"Nhiều nơi trên thế giới, vi-rút đang ngày càng lây nhiễm nhiều ở trẻ em, nhưng điều này không xảy ra ở Cuba", Chủ tịch Công ty dược phẩm nhà nước BioCubaFarma Eduardo Martínez Díaz (E.Ði-at) nhận định. Ông cũng nhấn mạnh, chiến lược tiêm chủng, trong đó chú trọng tiêm chủng sớm cho trẻ em, là yếu tố quyết định giúp Cuba trở nên khác biệt với các quốc gia khác trong cuộc chiến chống biến thể Omicron. Bên cạnh đó, sự phổ biến của "miễn dịch lai", trường hợp có sự cộng hưởng giữa miễn dịch sản sinh do từng nhiễm vi-rút Covid-19 và được tiêm chủng sau đó, cũng góp phần giúp Cuba ngăn chặn thành công làn sóng Omicron. Thành công trong việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và tiêm phòng cho hơn 90% số dân dù phải đối mặt vô vàn khó khăn của Cuba được giáo sư John Kirk (G.Cớc), chuyên gia nghiên cứu về các nước Mỹ Latin thuộc Ðại học Dalhousie của Canada, đánh giá là "điều phi thường". Chưa dừng lại ở đó, giữa tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế Cuba chính thức kích hoạt chứng chỉ kỹ thuật số về tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19, nhằm số hóa quy trình tiêm chủng trong nước.
Việc hoàn toàn tự chủ trong sản xuất và tiêm chủng vắc-xin giúp Cuba từng bước bứt ra khỏi làn sóng dịch Covid-19, từ đó có thể tập trung nguồn lực cho mục tiêu khôi phục kinh tế. Từ giữa tháng 11/2021, Cuba đã đón những du khách nước ngoài đầu tiên sau gần hai năm đóng cửa biên giới vì đại dịch. Quốc đảo Caribe xinh đẹp dự báo đón khoảng 2,5 triệu khách quốc tế trong năm 2022, mang lại nguồn thu khoảng 1,2 tỷ USD
Gửi phản hồi
In bài viết