Ông Nguyễn Phan Vỹ, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, tổ TK&VV được ví như “cánh tay nối dài” để nâng cao chất lượng hoạt động các tổ TK&VV, ngân hàng chỉ đạo phòng giao dịch ở các huyện hàng tháng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở rà soát các tổ như trình độ, tuổi tác, năng lực của các tổ trưởng; số thành viên của tổ để thực hiện củng cố, kiện toàn. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị thường xuyên báo cáo những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ. Đến ngày 12-9, toàn tỉnh hiện có 2.388 tổ TK&VV, tổng dư nợ 3.218 tỷ đồng, với 16.773 lượt hộ vay vốn, tiền gửi tiết kiệm đạt 243 tỷ đồng.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Sơn kiểm tra sử dụng nguồn vốn ưu đãi tại xã Quý Quân.
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Sơn làm tốt công tác nâng cao chất lượng hoạt động các tổ TK&VV. Bà Trần Thị Thúy Quỳnh, Giám đốc Phòng Giao dịch cho biết, hàng năm, căn cứ tình hình thực tế, phòng xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ. Trong đó, tập trung các giải pháp như thay thế, kiện toàn tổ trưởng có năng lực yếu; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức hội nhận ủy thác. Hiện nay, đơn vị đang quản lý 460 tổ TK&VV, trong đó có 453 tổ hoạt động tốt, khá, 7 tổ trung bình. Nhờ hiệu quả của các tổ, hiện tỷ lệ thu lãi bình quân của đơn vị duy trì ở mức 98 - 99%; nợ quá hạn chiếm 0,1% tổng dư nợ.
Chị La Thị Nhất, Tổ trưởng tổ TK&VV thôn Tân Quang, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cho biết, tổ quản lý dư nợ đạt trên 1,5 tỷ đồng, với 41 hộ vay, tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ đạt hơn 50 triệu đồng, tỷ lệ thu lãi hàng tháng đạt 99% trở lên, không có nợ quá hạn, lãi tồn. Có được kết quả đó, trong quản lý vốn, chị tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban sau buổi giao dịch để nắm chính sách vốn, tham gia các chương trình tập huấn và nắm chắc nghiệp vụ, quy trình cho vay. Hàng tháng, chị tuyên truyền, hướng dẫn hộ vay kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi, kinh doanh, giúp hộ vay phát huy được đồng vốn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Gia đình chị Hà Thị Gái, thôn Làng Ải, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) được vay vốn từ nguồn hỗ trợ hộ nghèo để phát triển kinh tế. Với số vốn 50 triệu đồng ban đầu, chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 10 con lợn giống về nuôi. Chị Gái cho biết, nhờ nguồn vốn vay kịp thời của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa, đặc biệt là sự động viên, hướng dẫn của tổ TK&VV thuộc Hội Nông dân xã mà gia đình chị đã có hướng làm ăn mới, có thêm nguồn thu nhập để nuôi con cái ăn học. Năm vừa qua, gia đình chị đã thoát nghèo.
Việc tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV sẽ thúc đẩy tăng trưởng dư nợ, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết